Đóng góp hơn một nửa GDP, đây là những chaebol thống trị nền kinh tế Hàn Quốc qua nhiều thế hệ
Những cuộc hôn nhân, cái chết của các thành viên, sự ghẻ lạnh và những rắc rối pháp lý của những gia đình này đều được báo chí Hàn Quốc ghi lại.
Trong nhiều thập niên, nền kinh tế Hàn Quốc  nằm dưới sự thống trị của một số tập đoàn do gia đình điều hành, hay còn gọi là chaebol. Họ nắm giữ khối tài sản khổng lồ và có tầm ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống ở xứ sở kim chi.
Vì tầm ảnh hưởng của họ, chaebol từ lâu đã trở thành vấn đề được công chúng hết sức quan tâm. Những cuộc hôn nhân, cái chết của các thành viên, sự ghẻ lạnh và những rắc rối pháp lý của những gia đình này đều được báo chí Hàn Quốc ghi lại.
Gia đình Lee của Samsung, nhà Koo của LG, nhà Chey của SK, nhà Shin của Lotte và nhà Chung của Hyundai đều là những cái tên quen thuộc đã nắm giữ chặt chẽ quyền lực của các công ty khu vực tư nhân lớn nhất Hàn Quốc.
Hệ thống chaebol  có thể coi là di sản lịch sử của Hàn Quốc. Sau khi hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, chính quyền đã chỉ định một số gia đình cho vay đặc biệt và hỗ trợ tài chính để xây dựng lại nền kinh tế.
Các công ty nhanh chóng mở rộng và trải dài từ ngành này sang ngành khác cho đến khi trở thành những tập đoàn lớn mạnh như hiện nay.
Nhưng ngay cả khi quy mô, sự giàu có và tầm ảnh hưởng của các công ty này tăng lên cũng như đã niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán, họ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của gia đình chaebol.
Những thay đổi về lãnh đạo qua các thế hệ đôi khi còn khiến các gia đình chaebol bất ổn, buộc các công ty phải chia tách thành các nhóm nhỏ hơn. Nguồn: NY Times |
Trong vài thập kỷ vừa qua, kinh tế Hàn Quốc đã chuyển biến mạnh mẽ từ tình trạng nghèo đói sau chiến tranh trở thành một nền kinh tế phát triển. Hành trình đó gắn liền với sự trỗi dậy của các chaebol. Những thành công ban đầu của họ đã thúc đẩy đồng lương, mức sống và đồng thời tăng xuất khẩu của đất nước.
Theo cuốn sách “Cộng hòa Chaebol” của nhà kinh tế Park Sang In, tổng doanh thu của 5 tập đoàn lớn nhất luôn chiếm hơn một nửa GDP của Hàn Quốc trong 15 năm qua, đạt mức 70% vào năm 2012.
Báo cáo của Viện Korea CXO Institute cho thấy chỉ riêng Samsung đã chiếm 19,4% GDP, Hyundai 11,5% GDP, còn SK 10% GDP tính đến tháng 12/2019.
Không chỉ vậy, hoạt động kinh doanh của họ cũng ăn sâu vào cuộc sống của người Hàn Quốc - từ bệnh viện đến bảo hiểm nhân thọ, từ khu chung cư đến thẻ tín dụng và bán lẻ, từ thực phẩm đến giải trí và truyền thông, đồ điện tử.
Chưa dừng lại ở đó, các chaebol đều có quan hệ thân thiết với giới lãnh đạo chính trị. Sự bảo trợ từ họ là rất quan trọng đối với việc phát triển của các công ty chaebol thành các tập đoàn công nghiệp .
Trong khi mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp đã phần nào suy giảm trong những thập kỷ gần đây, các lãnh đạo giới chính trị vẫn thường xuyên tìm đến các chaebol để được hỗ trợ hoặc tư vấn. Các chaebol được coi là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và không thể bị phá vỡ, thậm chí là không thể bị bỏ tù.
Chính vì vậy, quyền lực của những chaebol ngày càng bị công chúng “soi xét”, thậm chí được xem như một điểm yếu về kinh tế, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và thúc đẩy tình trạng tham nhũng chính trị.