Vùng bán đảo Cà Mau có một dòng sông chiều dài hơn 40 cây số, chảy xuyên qua 2 cánh rừng tràm ngút ngàn, rộng lớn...
Có rất nhiều con sông  đẹp chảy qua mảnh đất cực nam Tổ quốc. Mỗi con sông là một câu chuyện, gắn với một huyền thoại, một dấu ấn riêng. Chảy qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, sông Trẹm là dòng sông nổi tiếng trong cuộc sống và trong văn chương, nghệ thuật. Người dân nơi đây quen gọi con sông với cái tên thân thương, mộc mạc: sông Trèm Trẹm.
Theo các bậc cao niên, thuở xưa, đôi bờ sông Trẹm rừng tràm dày đặc, nước đỏ bốn mùa và mang tên sông Trèm Trẹm. Ngày nay, dẫu tên gọi có đổi thay nhưng sông Trẹm vẫn mãi hiền hoà, mặt nước lững lờ trôi qua xóm, qua làng.
Sông Trẹm dài khoảng 42km, bắt nguồn từ ngã ba kênh Tân Bằng - Cán Gáo chảy về đến ngã ba sông Ông Đốc, ngang qua huyện Thới Bình và rừng U Minh . U Minh là một khu rừng rất đặc thù và đã được xếp hạng quý hiếm độc đáo trên thế giới vì nó mang một vẻ đẹp hùng vĩ nhưng đầy hoang sơ. Rừng có diện tích rộng khoảng 2.000km2 và chia thành hai khu rõ ràng được chia cắt bởi con sông Trẹm và sông Cái Tàu; đó là rừng U Minh Thượng (thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau).
Sông Trẹm có độ sâu trung bình 3-4m, chiều rộng từ 8-10m, có màu nước thay đổi theo mùa. Đặc biệt mùa mưa, sông mang màu nâu sẫm của màu nước dớn rừng tràm từ các con kênh rạch đổ ra.
Hai miệt U Minh (Thượng - Hạ) trải dài theo dòng sông Trẹm thơ mộng đã một thời đi vào thơ ca. Sông Trẹm là nguồn cảm hứng của biết bao nhiêu văn nghệ sĩ. Tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” với câu chuyện tình lâm li, bi đát, nhiều éo le, trắc trở giữa một chàng trai Triệu Vĩ và thôn nữ Mỹ Lan của nhà văn Dương Hà vang bóng một thời. Ai đã từng đọc “Bên dòng sông Trẹm” chắc hẳn sẽ khắc sâu trong ký ức hình ảnh của một dòng sông Trẹm hiền hòa, thơ mộng và muốn được một lần về thăm.
Thời chiến tranh, sông Trẹm chứng ghi bao chiến công lẫy lừng của quân và dân. Những năm qua, dòng sông này luôn tha thiết, chờ mong. Mùa xuân về, lãng du qua sông Trẹm, đã nghe, đã thấy bao điều đáng yêu, đáng nhớ.
Trải qua các cuộc chiến tranh, gần 1.400 người con ở đôi bờ sông Trẹm hiến dâng xương máu, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, 2 liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, khi tuổi đời các anh, các chị mới mười tám, đôi mươi, chưa yên bề gia thất. Ðó là Anh hùng Lê Hoàng Thá và nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ - chắc hương hồn các anh, các chị, mãi còn vương hương tràm và dòng nước đỏ quê hương!
Những năm gần đây, nông dân sông Trẹm không ngừng chuyển đổi sản xuất. Rõ nhất từ khi nước ngọt từ sông Trẹm và Quản lộ Phụng Hiệp vào sâu nội đồng, nông dân bắt đất quay thêm vòng, trồng lúa, kết hợp nuôi thuỷ sản và trồng màu. Không những thế, chủ đất luôn trăn trở chọn lựa phương án sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ði qua năm tháng, sông Trẹm cứ hiền hoà, lững lờ trôi ra sông, ra biển. Theo dòng trôi, sông mang nhiều ước mơ, khao khát của người dân đôi bờ. Có thể lắm, tương lai ven bờ sông Trẹm sẽ xuất hiện những địa chỉ homestay, đón du khách tham quan, trải nghiệm.
Sông Trẹm sẽ kết nối cùng huyện U Minh, Trần Văn Thời, mở tour du lịch trên các dòng sông quê; đưa đờn ca tài tử xuống thuyền văn hoá, du ngoạn qua các địa danh: Tân Bằng - Cán Gáo, Cái Tàu - U Minh, sông Ông Ðốc - Trần Văn Thời...