Dòng sông dài hơn 40km chạy xuyên khu rừng 2.000km2 của Việt Nam được xếp loại quý hiếm trên thế giới, nằm ở vùng đất cực Nam ĐBSCL
Con sông này chảy qua U Minh - một khu rừng rất đặc thù và đã được xếp hạng quý hiếm độc đáo nhờ vẻ đẹp hùng vĩ nhưng đầy hoang sơ.
Bán đảo Cà Mau - vùng đất cực Nam ĐBSCL có một dòng sông  chiều dài khoảng 42km, chảy xuyên qua 2 cánh rừng tràm ngút ngàn, rộng lớn mang tên U Minh Hạ  và U Minh Thượng  thuộc 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Đó là sông Trẹm…
Sông Trẹm bắt nguồn từ ngã ba kênh Tân Bằng - Cán Gáo chảy về đến ngã ba sông Ông Đốc, ngang qua huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Lưu vực của sông Trẹm được tính từ ngã ba sông Cái Tàu (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) tiếp nối đến giáp ranh Vàm Xáng (thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).
Dọc theo hành trình, dòng sông đóng vai trò như một ranh giới tự nhiên, chia đôi khu rừng tràm nổi tiếng U Minh. Đây là một khu rừng rất đặc thù và đã được xếp hạng quý hiếm độc đáo trên thế giới vì sở hữu một vẻ đẹp hùng vĩ nhưng đầy hoang sơ.
Nước sông Trẹm có màu sắc thay đổi theo mùa. Vào mùa mưa, nước sông chuyển thành màu nâu sẫm, đặc trưng bởi màu nước từ rừng tràm. Sông có độ sâu trung bình từ 3-4m và bề rộng từ 8-10m, là nguồn nước quan trọng phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp và giao thương của cư dân hai bên bờ.
Không chỉ đóng vai trò kinh tế, sông Trẹm còn là một biểu tượng văn hóa của vùng đất này. Dòng sông từng đi vào tiểu thuyết nổi tiếng “Bên dòng sông Trẹm” của nhà văn Dương Hà, kể về câu chuyện tình yêu đầy trắc trở giữa Triệu Vỹ và Mỹ Lan, làm say đắm biết bao thế hệ độc giả.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật, từ thơ ca đến âm nhạc, cũng lấy cảm hứng từ dòng sông này. Các ca khúc như Về thăm sông Trẹm quê em, Bên dòng sông Trẹm... đều khắc họa hình ảnh dòng sông thơ mộng, gợi lên nỗi nhớ quê hương da diết.
Trong cuộc chiến tranh, gần 1.400 người con ở đôi bờ sông Trẹm hiến dâng xương máu, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc. Trong đó, 2 liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, khi tuổi đời các anh, các chị mới mười tám, đôi mươi, chưa yên bề gia thất. Đó là Anh hùng Lê Hoàng Thá và nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ - hương hồn các anh, các chị, mãi còn vương hương tràm và dòng nước đỏ quê hương.
Ngày nay, dòng sông Trẹm tiếp tục mang trong mình sức sống mạnh mẽ. Nguồn nước ngọt từ sông không chỉ giúp phát triển các vùng lúa – tôm mà còn thúc đẩy nông dân sáng tạo trong sản xuất, kết hợp trồng màu và nuôi thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập.
Chợ Thới Bình nằm tại ngã ba nơi sông Trẹm giao với kênh xáng Chắc Băng, là trung tâm thương mại sầm uất, trở thành điểm nhấn nổi bật về kinh tế của khu vực. Hai bên bờ sông, những ngôi nhà kiên cố, những hàng rào bê tông xen lẫn cây xanh đang dần thay đổi diện mạo làng quê. Dẫu vậy, những rặng dừa nước xanh um vẫn tồn tại như một biểu tượng quen thuộc, lưu giữ nét đặc trưng của dòng sông qua bao thế hệ.
Sông Trẹm không chỉ đơn thuần là một dòng sông mà còn là nơi hội tụ của lịch sử, văn hóa và cuộc sống. Vẻ đẹp yên bình, thơ mộng của dòng sông và những con người sinh sống quanh đó đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, vừa giản dị, vừa sâu lắng.
Dù thời gian trôi qua, sông Trẹm vẫn mãi là chứng nhân cho những thay đổi của vùng đất miền Tây Nam Bộ, là nguồn cảm hứng bất tận và là nơi khởi nguồn của những giấc mơ xanh nơi chân trời Cà Mau.