Động thái mới của Masan (MSN) trong lĩnh vực xe điện, khai phá tiềm năng hợp tác với VinFast
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo MSR đã chia sẻ tiềm năng hợp tác với VinFast, đồng thời tiết lộ đã cung ứng vật liệu cho nhiều hãng xe điện khác trên thế giới.
CTCP Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR ) - công ty con của Tập đoàn Masan vừa công bố quyết định của HĐQT về việc bổ nhiệm ông Ashley James McAleese vào vị trí Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2029. Đồng thời, HĐQT chấp thuận bổ nhiệm ông Ashley McAleese vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tân CEO Ashley James McAleese sinh năm 1980, quốc tịch Úc. Trước khi đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của Masan High-Tech Materials, ông từng làm Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và Công ty TNHH Vonfram Masan. Hiện tại, ông không sở hữu cổ phần tại MSR.
Ngoài việc thay đổi CEO, ngày 1/12 vừa qua, CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN ) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc góp bổ sung 510 tỷ đồng vào vốn điều lệ của Công ty TNHH The Sherpa (công ty con do Masan nắm 100% vốn). Việc góp vốn này nhằm thực hiện giao dịch mua cổ phần của Nyobolt Limited, một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin li-ion sạc nhanh. Đây cũng là công ty duy nhất trong lĩnh vực chế tạo pin ứng dụng vonfram. Theo BCTC hợp nhất quý III, tại ngày 30/9, MSR sở hữu 21,5% vốn của Nyobolt với giá trị ghi sổ đạt 1.440 tỷ đồng.
Sản phẩm pin của Nyobolt |
Vonfram là một kim loại cứng gần bằng kim cương và có mật độ năng lượng cao hơn, được sử dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, năng lượng và linh kiện bán dẫn.
Liên quan tới vật liệu này, cuối tháng 10/2024, Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC) và Masan đã công bố ký kết Bản Ghi Nhớ (MOU). Theo đó, EDC sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Masan, đặc biệt là ở lĩnh vực khai thác và chế biến vonfram.
Được biết, Masan High-Tech Materials là doanh nghiệp sở hữu nguồn cung ổn định từ mỏ vonfram đa kim Núi Pháo và là một trong những nhà sản xuất vonfram và vật liệu tích hợp lớn nhất trên toàn cầu (ngoài Trung Quốc), với các nhà máy chế biến và tái chế vonfram chất lượng cao đặt tại Đức, Việt Nam, Canada và Trung Quốc.
Riêng với mỏ Núi Pháo, sản lượng vonfram từ địa điểm này chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu (không tính nguồn cung từ Trung Quốc), có quy mô lớn thứ hai thế giới.
Quy mô thị trường của Masan High-Tech Materials trên thế giới (Nguồn: MSR) |
Thực tế, tập đoàn đã có tham vọng với mảng pin xe điện từ năm 2022. Cụ thể, vào tháng 7/2022, H.C. Starck Tungsten (HCS) - công ty con của Masan High-Tech Materials, đã công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh để sở hữu 15% vốn chủ sở hữu của Nyobolt.
Trên cơ sở thành công của dự án tinh luyện vonfram và sản xuất các dòng sản phẩm vonfram công nghệ cao, Masan High-Tech Materials đã triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên. Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông doanh nghiệp đã hỏi: “VinFast là một nhà sản xuất xe điện, liệu có cơ hội, tiềm năng hợp tác giữa MHT và VinFast không?”.
Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo MSR cho biết: “MHT không hướng đến sản xuất xe điện, năng lực cốt lõi của chúng tôi là cung cấp giải pháp về pin cho xe điện thông qua công nghệ Nyobolt. Vì vậy, trong dài hạn, rõ ràng sẽ có tiềm năng hợp tác giữa chúng tôi và VinFast. Chúng tôi cũng đã cung cấp vật liệu cho các nhà sản xuất xe điện khác và tương lai đương nhiên cũng sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ pin xe điện cho VinFast”.
>> Bước đi chiến lược mới của Masan (MSN) sau động thái thắt chặt vonfram từ Trung Quốc
Chuyên gia năng lượng hàng đầu thế giới: Việt Nam có VinFast tức là đã làm chủ công nghệ xe điện
Nóng: Taxi Mai Linh ‘chốt đơn' 3.999 ô tô điện VinFast từ Xanh SM