Bước đi chiến lược mới của Masan (MSN) sau động thái thắt chặt vonfram từ Trung Quốc
Ngày 1/12 vừa qua, Trung Quốc đã tung ra chính sách thắt chặt xuất khẩu vonfram. Sau động thái này, công ty khoáng sản thuộc Tập đoàn Masan (MSN) đang đứng trước cơ hội vàng mở rộng thị phần.
CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN ) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc góp bổ sung 510 tỷ đồng vào vốn điều lệ của Công ty TNHH The Sherpa (công ty con do Masan nắm 100% vốn). Việc góp vốn này nhằm mục đích thực hiện giao dịch mua cổ phần của Nyobolt Limited, là một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin li-ion sạc nhanh. Đây cũng là công ty duy nhất trong lĩnh vực chế tạo pin ứng dụng vonfram.
Vào tháng 7/2022, H.C. Starck Tungsten (HCS), công ty con của Masan High-Tech Materials (MSR) - đơn vị thành viên của Masan, đã công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh cho 15% vốn chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt. Theo BCTC hợp nhất quý III, tại ngày 30/9, MSR sở hữu 21,5% vốn Nyobolt với giá trị ghi sổ đạt 1.440 tỷ đồng.
Về sản phẩm pin của Nyobolt, đây là pin lithium-ion sử dụng vật liệu vonfram công nghệ cao của HCS cho lớp phủ cực anode tạo ra công suất cao kỷ lục và khả năng sạc tốc độ cực nhanh. Hệ thống anode trong pin của Nyobolt có lớp phủ niobium và vonfram, mang đến hiệu suất vượt trội so với các loại pin li-ion có cực anode thông thường như sạc nhanh, công suất cao hơn gấp 10 lần, độ bền lâu và an toàn hơn.
Sản phẩm pin của Nyobolt |
Nyobolt hướng đến khách hàng là các công ty sản xuất xe điện công nghiệp yêu cầu công suất cao, thiết bị tự động hóa (robotics), thiết bị tiêu dùng, công cụ không dây, hệ thống lưu trữ năng lượng và sạc nhanh di động.
Trung Quốc tung chính sách thắt chặt vonfram, cơ hội cho Masan
Trong khuôn khổ các quy định mới về hạn chế xuất khẩu hàng hóa "đa dụng", Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố danh sách các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm và khoáng sản vonfram phải xin giấy phép, có hiệu lực từ ngày 1/12.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang gia tăng căng thẳng, làm gia tăng nhu cầu tìm kiếm nguồn vonfram ngoài Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức cấm các nhà thầu mua vonfram khai thác từ Trung Quốc kể từ ngày 1/1/2027.
Theo báo cáo của Argus, Trung Quốc hiện đang nắm giữ hơn 80% nguồn cung vonfram toàn cầu. Đáng chú ý, Việt Nam cũng sở hữu mỏ vonfram với trữ lượng khoảng 100.000 tấn, đứng thứ 3 thế giới theo thống kê từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Vonfram là một kim loại cứng gần bằng kim cương và có mật độ năng lượng cao hơn, được sử dụng trong vũ khí và linh kiện bán dẫn. Ngoài ra, vonfram còn được dùng làm vật liệu chống mài mòn, sử dụng trong các ngành công nghiệp gia công kim loại, khai thác mỏ, dầu khí và xây dựng.
Vonfram là kim loại không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực công nghiệp (ảnh minh họa) |
Đây cũng là loại kim loại gần như không thể thay thế trong một loạt các ứng dụng công nghiệp như sản xuất máy hiệu suất cao và các hợp kim thép. Vì vậy, vonfram còn được sử dụng trong các ngành công nghiệp như ô tô, năng lượng, xây dựng, hàng không vũ trụ cũng như các ứng dụng hàng không.
Tại Việt Nam, Thái Nguyên là tỉnh đang nắm giữ trữ lượng vonfram lớn nhất của cả nước, nắm tới 90% trữ lượng của cả nước. Trang thông tin điện tử huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, sản lượng vonfram từ mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu nếu không tính nguồn cung từ Trung Quốc, có quy mô lớn thứ hai thế giới. Đây là một trong những mỏ có trữ lượng vonfram đã được nhận diện lớn nhất thế giới ở ngoài Trung Quốc.
Đáng chú ý, Masan High-Tech Materials (MHT ) là doanh nghiệp đang sở hữu nguồn cung ổn định từ mỏ vonfram đa kim Núi Pháo và là một trong những nhà sản xuất vonfram và vật liệu tích hợp lớn nhất trên toàn cầu (ngoài Trung Quốc), với các nhà máy chế biến và tái chế vonfram chất lượng cao đặt tại Đức, Việt Nam, Canada và Trung Quốc.
Nhà máy của Masan High-Tech Materials |
MHT sở hữu nền tảng sản xuất Vonfram tích hợp toàn cầu, từ khai thác, thu mua vật liệu thô tới chế biến, thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D), quy tụ các chuyên gia khai khoáng hàng đầu thế giới, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và kinh nghiệm tái chế vonfram 10 năm từ Đức, để đưa vào sản xuất và cung ứng vật liệu Vonfram công nghệ cao cho thị trường toàn cầu.
Hiện tại, MHT cung cấp 30% lượng vonfram toàn cầu (ngoài Trung Quốc), với 70% khách hàng là các doanh nghiệp nằm trong top 50 thế giới về vốn hóa thị trường. Nhiều mối quan hệ hợp tác của MHT đã kéo dài hơn hai thập kỷ. Mạng lưới nhà cung cấp rộng lớn của công ty này cũng trải dài trên 30 quốc gia, với 200 nhà cung cấp đang hoạt động, điều này khẳng định tầm quan trọng và vị thế của MHT trên thị trường vật liệu toàn cầu.
Các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á, đang đứng trước cơ hội rất lớn trước “cơn khát” vật liệu chiến lược này trên toàn cầu. Bối cảnh kinh tế thuận lợi, nhu cầu thị trường gia tăng thúc đẩy nguồn cung vật liệu đa dạng, mang lại nhiều sự lựa chọn cho các doanh nghiệp sản xuất và các ngành công nghiệp trọng yếu trên toàn cầu.