Dòng tiền đổ xô vào các quỹ ETF vàng trước tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng
Nhà đầu tư đổ xô vào các quỹ ETF vàng vì coi đây là kênh trú ẩn an toàn.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 7/11, các quỹ ETF giao dịch vàng toàn cầu trong tháng 10/2024 đã ghi nhận dòng vốn chảy vào tháng thứ sáu liên tiếp, đánh dấu lần đầu tiên dòng vốn tích lũy từ đầu năm chuyển sang mức dương. Nhu cầu vàng vào các quỹ ETF được hỗ trợ bởi dòng vốn từ Bắc Mỹ và châu Á.
Theo WGC, trong tháng 10/2024, các ETF vàng đã thu hút 4,3 tỷ USD, nâng tổng khối lượng nắm giữ lên 3.244 tấn. Sau ba năm ghi nhận dòng vốn chảy ra ngoài do môi trường lãi suất cao, thị trường vàng sau tháng qua đã đảo chiều rõ rệt.
Trước tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng và bất ổn thị trường kéo dài, nhà đầu tư đã đổ xô vào các quỹ ETF vàng vì coi đây là kênh trú ẩn an toàn. Diễn biến đó góp phần gia tăng nhu cầu đối với kim loại quý này.
Nhu cầu đối với quỹ ETF vàng tăng mạnh. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, WGC cho biết, dòng vốn liên tục chảy vào cùng mức giá vàng cao kỷ lục đã đưa tổng giá trị tài sản chịu quản lý trên toàn cầu lên 286 tỷ USD tính tới cuối tháng 10/2024. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tổ chức này đánh giá, nhu cầu vàng tại Bắc Mỹ tăng đột biến do bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang ở Trung Đông và cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu đối với ETF vàng.
Báo cáo cũng cho biết, khối lượng giao dịch vàng toàn cầu tăng nhẹ được hỗ trợ bởi các hoạt động giao dịch ngoài sàn (OTC) và ETF.
Tính đến thời điểm hiện tại, vàng đã tăng giá 33% và được kỳ vọng là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất năm 2024. Trước đó, giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục trên 2.790 USD/ounce vào ngày 31/10, nhờ việc Mỹ cắt giảm lãi suất và căng thẳng địa chính trị.
>> Giá vàng hôm nay 8/11 quay đầu tăng vọt sau quyết định của Fed 
Giá vàng bật tăng sau 1 ngày lao dốc, người dân lại ồ ạt đi mua vào 
Giá vàng hôm nay 8/11 quay đầu tăng vọt sau quyết định của Fed