Dòng vốn tháo chạy vì tâm lý bi quan, chứng khoán Trung Quốc có khởi đầu tệ nhất 9 năm
Căng thẳng thương mại leo thang, áp lực địa chính trị và nền kinh tế suy yếu đang khiến nhà đầu tư ngày càng thận trọng.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc
Tâm lý bi quan đang bao trùm thị trường chứng khoán Trung Quốc  trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, báo hiệu thêm nhiều thách thức cho thị trường sau khởi đầu đáng thất vọng của năm mới.
Chỉ số CSI 300 đã giảm hơn 5% trong 7 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025 – mức khởi đầu tệ nhất kể từ năm 2016, theo The Straits Times. Trước đó, chỉ số này từng mất hơn 11% vào năm 2016.
Năm nay, nguy cơ Mỹ áp thuế cao hơn dưới nhiệm kỳ thứ 2 của ông Donald Trump  đang phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư, khi họ lo ngại căng thẳng thương mại leo thang sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế vốn đã trì trệ của Trung Quốc thêm phần phức tạp.
Tuần trước, chỉ số MSCI trung Quốc tiếp tục đà giảm từ mức đỉnh hồi tháng 10/2024 xuống 20%, chính thức rơi vào “thị trường giá xuống” (bear market).
Cột mốc tiêu cực này xuất hiện sau khi Mỹ đưa Tencent Holdings và Contemporary Amperex Technology vào danh sách đen vì cáo buộc có liên quan đến quân đội Trung Quốc, đồng thời chính quyền của ông Biden cũng cân nhắc siết chặt thêm các hạn chế xuất khẩu chip AI.
Charu Chanana, chiến lược gia trưởng tại Saxo Markets, nhận định: “Áp lực bên ngoài càng trầm trọng hơn do những khó khăn kinh tế trong nước, bao gồm niềm tin tiêu dùng suy yếu, lĩnh vực bất động sản lao đao và nợ xấu gia tăng. Những thách thức này tạo ra môi trường bất ổn, khiến nhà đầu tư thận trọng hơn”.
Tâm lý yếu kém của giới đầu tư còn được phản ánh qua một cuộc khảo sát đối với các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia Trung Quốc từ cuối tháng 12/2024.
Trong số 15 người được hỏi, 10 người cho biết họ nhận thấy cơ hội đầu tư tốt nhất trong quý I/2025 nằm ở trái phiếu Chính phủ Trung Quốc và đồng USD, thay vì cổ phiếu trong nước.
Chính sách chưa đủ mạnh
Dù Chính phủ đã triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ, nhưng cách tiếp cận rời rạc và thiếu một gói kích thích đủ mạnh đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực giảm phát. Lạm phát tiêu dùng tiếp tục suy yếu và tiến gần về mức 0, giảm tốc tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 12 năm ngoái bất chấp các nỗ lực kích cầu.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rút vốn khỏi chứng khoán Trung Quốc. Theo dữ liệu mới nhất từ Morgan Stanley, các quỹ thụ động đã rút 1,1 tỷ USD trong khi các quỹ chủ động ghi nhận dòng vốn chảy ra lên tới 2,4 tỷ USD trong tháng 12.
Những người tham gia khảo sát dự kiến triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ chưa có sự cải thiện đáng kể cho đến quý II/2025, đồng thời cảnh báo chính sách kích thích yếu hơn kỳ vọng là rủi ro lớn nhất đối với chứng khoán Trung Quốc năm nay.
Thêm vào đó, việc giới chức vẫn do dự trong việc tung ra các biện pháp mạnh để thúc đẩy tăng trưởng đã đẩy trái phiếu Chính phủ Trung Quốc tăng giá, kéo lợi suất trái phiếu xuống mức thấp kỷ lục trong những tuần gần đây. Đồng nhân dân tệ cũng chịu áp lực mất giá đáng kể.
Tâm điểm chú ý hiện đổ dồn vào kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3, khi Chính phủ công bố các mục tiêu kinh tế quan trọng và chính sách chi tiết.
Dù Ngân hàng Trung ương đã phát tín hiệu sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế bằng một loạt đợt cắt giảm lãi suất và nới lỏng thanh khoản, nhà đầu tư vẫn chờ đợi xem liệu Bắc Kinh có tung ra các gói kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn hay không.
“Các chính sách hiện tại thiếu đột phá và chưa thể thay đổi đánh giá của nhà đầu tư về triển vọng thị trường”, Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co tại Bắc Kinh, bình luận. “Điều quan trọng là liệu những biện pháp này có thể giải quyết những vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt hay không”.
Theo The Straits Times