Dư âm sự cố rút tiền hàng loạt của SCB vẫn còn, Thống đốc NHNN nói gì?

09-01-2024 09:33|Dương Lam

Dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vẫn còn, cộng hưởng với tác động đổ vỡ của một số ngân hàng tại châu Âu khiến xu hướng tín dụng tăng chậm trên khắp toàn cầu...

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/1 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Trong năm 2023, dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 vẫn còn, cộng hưởng với tác động đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, xu hướng tín dụng tăng chậm lại trên khắp toàn cầu... là những yếu tố tác động không thuận tới thanh khoản, tâm lý, kỳ vọng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.

Dư âm sự cố rút tiền hàng loạt của SCB vẫn còn, Thống đốc NHNN nói gì?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Tuy vậy, năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cơ bản hoạt động ổn định, huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng.

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được tích cực triển khai. Việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ, nhưng đến nay, về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết trong thời gian tới.

Mặc dù nợ xấu tăng song theo thống đốc, nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Năm 2024, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Bên cạnh đó, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Về tái cơ cấu ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2023, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ: Không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn

Chính phủ yêu cầu ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất vay, giảm chi phí

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-am-su-co-rut-tien-hang-loat-cua-scb-van-con-thong-doc-nhnn-noi-gi-219058.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dư âm sự cố rút tiền hàng loạt của SCB vẫn còn, Thống đốc NHNN nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH