Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có chuyển động mới
Theo tờ trình, tổng vốn đầu tư sẽ được xác định cụ thể trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng đã trình Thủ tướng báo cáo thẩm định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ , TP. HCM.
Dự án được đề xuất bởi liên danh nhà đầu tư gồm CTCP Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (một công ty thành viên của Hãng tàu MSC).
Báo cáo thẩm định đã tổng hợp ý kiến từ các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Theo nội dung tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với quy mô 571ha. Tổng vốn đầu tư sẽ được xác định cụ thể trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
UBND TP. HCM sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định tổng mức vốn này.
Bối cảnh 3D dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ |
Bên cạnh đó, thành phố sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
>> Nhà đầu tư dự án suất ăn hàng không tại sân bay lớn nhất Việt Nam chính thức lộ diện 
Quá trình này phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về quốc phòng, an ninh, môi trường, năng lực nhà đầu tư, cũng như các tiêu chí khai thác hiệu quả, tránh cạnh tranh nội bộ giữa các cảng biển Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu công khai, minh bạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ, và ngăn chặn tối đa nguy cơ tiêu cực, lãng phí.
Ngoài ra, TP. HCM sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng các tiêu chí bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo dự án không gây tác động tiêu cực đến vùng lõi và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cùng với đó, TP. HCM cũng sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng tiêu chí về công nghệ sử dụng và phương án vận hành cảng.
Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt, bao gồm đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu, ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng để thực hiện dự án đúng tiến độ.
Việc triển khai dự án chỉ được phép sau khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định pháp luật, đồng thời hoàn tất thủ tục bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư cũng cần cam kết không ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng biển lân cận và đảm bảo đúng tỷ lệ hàng hóa trung chuyển đã cam kết.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được kỳ vọng bổ sung tiềm năng, tạo sự tương hỗ mạnh mẽ, giúp cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển thành trung tâm trung chuyển quốc tế đẳng cấp thế giới.
Dự án sở hữu nhiều lợi thế về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên và luồng hàng hóa. Đặc biệt, sự tham gia của Hãng tàu MSC là một yếu tố then chốt trong việc hình thành và phát triển cảng trung chuyển quốc tế này.
Theo hồ sơ đề xuất trước đó, tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).
Dự án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn: Cụ thể, giai đoạn 1 (trước năm 2030), TP. HCM đầu tư xây dựng và khai thác 2 khu bến chính trong tổng số 7 khu bến chính.
Giai đoạn 2 (2030–2045) sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện toàn bộ các khu bến còn lại.
Tổng chiều dài của cảng chính dự kiến khoảng 7km với bến sà lan dự kiến khoảng 2km.
Theo ước tính, sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng có thể đạt 2,1 triệu TEU (1TEU bằng 1 container 20feet).
Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng hóa qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đạt khoảng 16,9 triệu TEU vào năm 2047, đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.