Dự án chống ngập nghìn tỷ tại tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp lên TP trực thuộc Trung ương có chuyển động mới
Dự án không chỉ giúp tiêu thoát nước, chống ngập lụt mà còn tạo cảnh quan và chỉnh trang đô thị cho khu vực rộng lớn.
Theo Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh Bình Dương, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết điều chỉnh mức đầu tư cho dự án nạo vét  và gia cố Suối Cái. Cụ thể, tổng mức đầu tư mới là 5.892 tỷ đồng, tăng so với con số trước đó là 4.941 tỷ đồng.
Cụ thể, cơ cấu vốn đầu tư bao gồm 1.967 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 2.924 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Dự án sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết năm 2027, các nội dung khác không thay đổi so với nghị quyết trước đó.
Tầm quan trọng của dự án Suối Cái
Dự án nạo vét và gia cố Suối Cái có chiều dài gần 19km, bắt đầu từ giao điểm với đường ĐT 742 đến sông Đồng Nai. Dự án sẽ xây dựng hệ thống kênh bằng các tấm đan bê tông cốt thép, đặt trên khung dầm và cọc bê tông cốt thép.
Đáy kênh sẽ được gia cố bằng thảm bê tông dày 30cm, bờ kênh đắp đất rộng 17m với mặt đường xe chạy rộng 7,5m và vỉa hè rộng 5m.
Đây là một trong những dự án trọng điểm với số vốn đầu tư lớn, được người dân Bình Dương rất quan tâm.
Dự án không chỉ giúp tiêu thoát nước, chống ngập lụt mà còn tạo cảnh quan và chỉnh trang đô thị cho khu vực rộng lớn. Ban Quản lý Dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.
Tiến độ thực hiện và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng
Tỉnh Bình Dương đã phê duyệt kinh phí bồi thường với tổng số tiền 2.119 tỷ đồng.
Đến nay, hơn 520 hộ dân đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Hiện tại, dự án đang triển khai thi công hai gói thầu (2A, 2B) thuộc đoạn từ cầu Thợ Ụt đến cầu Bến Sắn, với chiều dài 5,8km.
Khối lượng thi công của hai gói thầu này đã đạt 25% so với hợp đồng, dự kiến hoàn thành vào ngày 25/5/2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 790/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đặt ra những mục tiêu phát triển chiến lược, định hình tương lai của tỉnh trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững.
Theo quyết định, đến năm 2030, Bình Dương sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á. Tỉnh cũng đặt mục tiêu dẫn đầu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, và phát triển công nghiệp dịch vụ hiện đại.
Bình Dương định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh và bền vững. Mô hình tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới sự phát triển cân bằng và bền vững cho tương lai.
>> Tuyến phố đi bộ thứ 7 của Hà Nội sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10