Dự án đáng sống và sinh lời bậc nhất Bình Phước của ông Dũng 'lò vôi' hiện giờ ra sao?
Dự án đáng sống và sinh lời bậc nhất tỉnh Bình Phước của ông Huỳnh Uy Dũng - Dũng 'lò vôi' hiện trong tình trạng hoang hóa, không có người sinh sống.
Dự án đáng sống, sinh lời bậc nhất rơi vào tình trạng hoang hóa
Dự án Khu dân cư Đại Nam, từng được xem là "con cưng" của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi" ), là một trong những khu dân cư lớn nhất tại tỉnh Bình Phước.
Nằm trên mặt tiền Quốc lộ 13, dự án có diện tích khoảng 100ha, do Công ty TNHH MTV Tân Khai làm chủ đầu tư và được đầu tư hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Vào tháng 6/2018, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt Quyết định số 1094/QĐ-UBND về đồ án và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án.
Dự án khu dân cư Đại Nam thuộc huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Internet |
Từ năm 2019-2020, UBND tỉnh Bình Phước đã có ba quyết định cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người mua tự xây dựng nhà ở, với tổng số gần 2.500 nền đất được phép chuyển nhượng.
Dự án có tổng diện tích hơn 96ha, bao gồm 2.456 căn nhà phố và biệt thự, cùng với các công trình công cộng như 4 trường mẫu giáo, 1 trường THPT, với quy mô dân số dự kiến lên tới 12.000 người.
Hiện nay khu dân cư này trong tình trạng hoang hóa, không có người ở. Ảnh: Internet |
Trong diện tích đất 481.897,79m2 dành cho nhà ở, 231.989,24m2 là đất nhà phố và phần còn lại là đất biệt thự, cùng với khu nhà ở xã hội rộng 96.517,1m2.
Ngoài ra, dự án còn có đất giáo dục chiếm diện tích 2.265,8m2, đất cây xanh trải dài trên 25.653,36m2 và khu hạ tầng kỹ thuật như trạm xử lý nước thải và trạm điện chiếm 6.239m2. Hệ thống giao thông nội khu được thiết kế theo mô hình ô bàn cờ, với diện tích đường rộng 323.249,46m2.
Phối cảnh Khu dân cư Đại Nam sau khi được hoàn thiện. Ảnh: Internet |
Thời điểm triển khai, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành một khu dân cư lý tưởng cho việc an cư - lập nghiệp và mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa thu hút được cư dân sinh sống.
Hạ tầng cơ bản đã hoàn thiện nhưng do sự hoang hóa kéo dài, nhiều đoạn vỉa hè trong khu nội bộ đã bị bong tróc, cỏ dại mọc đầy và phế liệu chất đống.
Khu dân cư Đại Nam từng được kỳ vọng là nơi đáng sống và sinh lời bậc nhất tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Internet |
Lý do chính khiến dự án này không thu hút được người mua là vì vị trí cách xa TP. HCM tới 80km, trong khi giá đất nền tại thời điểm đó lên đến 650 triệu đồng/nền, quá cao so với thu nhập của người dân địa phương, vốn phần lớn là công nhân.
Hiện tại, giá đất nền tại đây đang được rao bán với mức 5,6 - 7,2 triệu đồng/m2, đồng nghĩa với việc để sở hữu một nền đất tại đây, người mua sẽ phải bỏ ra số tiền từ 750 triệu đồng.
Danh Khôi muốn mua lại dự án của ông Dũng "lò vôi"
Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (HoSE: NRC ) đã có kế hoạch huy động 1.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Một phần số tiền này dự kiến sẽ được dùng để mua lại các sản phẩm đất nền có pháp lý đầy đủ tại các dự án khu dân cư đã được quy hoạch bài bản, trong đó có dự án Khu dân cư Đại Nam của ông Dũng "lò vôi", với số tiền đầu tư ước tính khoảng 195 tỷ đồng.
Danh Khôi hiện đang đứng trước khó khăn về mặt tài chính. Ảnh: Internet |
Việc Danh Khôi quan tâm đến dự án này không phải là lần đầu tiên. Trước đó, vào năm 2022, ông Dũng "lò vôi" đã từng chuyển nhượng một phần dự án này cho Công ty Cổ phần Vinasing Group với giá trị hợp đồng dự kiến trên 2.434 tỷ đồng.
Cụ thể, có 1.122 nền đất ở với tổng diện tích 219.999,9m2 được chuyển nhượng với giá 9 triệu đồng/m2; đất thương mại dịch vụ được bán với giá 6 triệu đồng/m2, tổng giá trị hơn 67,3 tỷ đồng và đất xây dựng nhà ở xã hội được bán với giá 4 triệu đồng/m2, tổng giá trị hơn 386,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị hủy bỏ vào tháng 5/2022 do Vinasing Group không thực hiện đúng cam kết chuyển tiền cọc.
Mới đây, kiểm toán viên đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Danh Khôi. Khả năng duy trì hoạt động của công ty phụ thuộc vào việc thanh toán, gia hạn, hoặc tái cấu trúc các khoản nợ quá hạn và sắp đến hạn, cũng như tạo ra đủ dòng tiền ngắn hạn từ các hoạt động hợp tác kinh doanh, phát hành cổ phiếu, và kinh doanh hiệu quả.
Tại ngày 30/6, Danh Khôi chỉ còn 542 triệu đồng tiền mặt trên tổng tài sản 2.074 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 436 tỷ đồng, nhưng nợ ngắn hạn lên đến 572 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn là 342 tỷ đồng).
Phần lớn tài sản của Danh Khôi nằm ngoài doanh nghiệp, với các khoản phải thu lên đến 1.716 tỷ đồng (chiếm 83%). Đây chủ yếu là các khoản ký cược, ký quỹ với các đối tác để phát triển hoặc phân phối các dự án bất động sản.
Hai năm gần đây, doanh nghiệp này hầu như không có doanh thu, với chỉ 5 tỷ đồng trong năm 2023 và gần 3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Hà Nội sắp có dự án đường cao tốc vành đai hơn 56.000 tỷ, đi qua 3 tỉnh và TP 
Kiểm toán Nhà nước nói gì về Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam?