Dự án metro 3,5 tỷ USD kết nối sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao thông công chánh TP. HCM đã có công văn gửi các Sở, ngành liên quan về việc góp ý đối với phương án đầu tư tuyến metro kết nối sân bay Long Thành.
Theo thông báo kết luận tại phiên họp lần thứ 16 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu TP. HCM khẩn trương nghiên cứu triển khai các dự án đường sắt đô thị TP. HCM đi sân bay Long Thành.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Sở Giao thông công chánh TP. HCM đã có công văn gửi các Sở gồm: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM về đề nghị góp ý phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm đi sân bay Long Thành  và tuyến đường sắt từ trung tâm đi huyện Cần Giờ.
Liên quan đến các dự án này, UBND TP. HCM đã giao Sở Giao thông công chánh chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu các công việc cần thực hiện để triển khai đầu tư 2 dự án đường sắt này theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
>> Chỉ 5 ngày nữa, chung cư mini nếu không đáp ứng đủ điều kiện này sẽ phải ngừng hoạt động

Sở Giao thông công chánh TP. HCM đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, góp ý và gửi ý kiến trước ngày 31/3 để tổng hợp, đảm bảo chặt chẽ trước khi tham mưu UBND TP báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch sẽ có 3 tuyến đường sắt phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, bao gồm tuyến metro số 2, metro số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Trong đó 2 tuyến metro hiện nay đang được TP nghiên cứu, ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết số 188 vào tháng 2/2025.
Đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến này có chiều dài khoảng 42km với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3,5 tỷ USD, hiện đang được Bộ xây dựng chủ trì chuẩn bị đầu tư.
Dự kiến, dự án này sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2025.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ, thống nhất giao UBND TP. HCM là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhằm sớm hoàn thiện, kết nối 2 sân bay.
Qua quá trình nghiên cứu ý kiến của Bộ Xây dựng, Sở Giao thông công chánh nhận thấy tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được xác định là đường sắt quốc gia, sẽ đi qua 2 địa phận của 2 địa phương là TP. HCM và tỉnh Đồng Nai.
Trường hợp giao cho địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét và quyết định.
Ngoài ra, Nghị quyết số 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển metro tại TP. HCM và Hà Nội, không quy định áp dụng đối với các địa phương khác.
Vì thế, để dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được áp dụng cơ chế đặc biệt này (đối với đoạn qua tỉnh Đồng Nai), cần phải trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết 188; đồng thời dự án cũng cần thực hiện các thủ tục điều chỉnh, cập nhập quy hoạch có liên quan.
Dựa trên những yếu tố này, phương án để Bộ Xây dựng tiếp tục là cơ quan chủ trì thực hiện dự án, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp gần nhất là phù hợp với quy định hiện nay.
Hồ sơ dự án sẽ đi kèm theo các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai, trong đó xem xét đề xuất giao UBND TP. HCM là cơ quan chủ quản đầu tư dự án.
Theo phương án đề xuất, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 41,83km. Trong đó, đoạn qua TP. HCM dài hơn 11,7km, qua Đồng Nai dài hơn 30km.
Dự án Đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành được kiến nghị sẽ thực hiện theo loại hình đường sắt vận chuyển nhanh (RRT/MRT) với tổng mức đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.