Dự án sân bay 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam đang gặp ‘khó’
Gói thầu 4.8 của dự án sân bay 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam hiện đang vấp phải phản ứng từ phía nhà thầu sau khi ACV công bố danh sách nhà thầu đáp ứng.
Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không - CTCP (ACV ) đã công bố danh sách các nhà thầu đáp ứng và không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Gói thầu 4.8, trị giá lên tới 11.400 tỷ đồng, thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Gói thầu này liên quan đến thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công cho công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật hàng không.
Sau khi danh sách được công bố, một đại diện từ liên danh nhà thầu đã gửi kiến nghị tới chủ đầu tư, yêu cầu làm rõ một số vấn đề kỹ thuật.
Cụ thể, liên danh nhà thầu, bao gồm CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam, CTCP Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam, CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Lizen, CTCP Hải Đăng, Công ty TNHH Hòa Hiệp và Tổng Công ty Thăng Long đã nêu ra hàng loạt dự án mà các thành viên của liên danh này đã thực hiện.
Đồng thời, họ cũng yêu cầu ACV làm rõ các tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) đối với Gói thầu 4.8.
Thông tin từ Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 21/9, bà Lê Thị Huệ - đại diện liên danh nhà thầu đã gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư.
Bà Huệ cho biết, các điểm số trong hồ sơ đánh giá chưa phản ánh đúng năng lực và kinh nghiệm thực tế của các nhà thầu. Bên cạnh đó, liên danh nhà thầu cũng yêu cầu ACV cung cấp chi tiết về quá trình đánh giá các tiêu chí kỹ thuật trong HSDT của các bên tham gia.
Ngoài ra, liên danh này đề nghị cung cấp bảng điểm chi tiết về các lợi thế và hạn chế kỹ thuật, cùng báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật từ Tổ chuyên gia vào ngày 16/9.
Liên danh này cũng nhấn mạnh việc cần xem xét kỹ tư cách hợp lệ của các nhà thầu để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, đồng thời hoãn việc mở hồ sơ đề xuất tài chính của Gói thầu 4.8.
Trong văn bản gửi ngày 24/9, liên danh nhà thầu cho rằng hồ sơ mời thầu của ACV yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự đối với các hạng mục thi công hệ thống cấp điện nguồn là đường dây và trạm biến áp cấp IV trở lên, có giá trị từ 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có một số ít dự án đáp ứng tiêu chuẩn này, điển hình là dự án trạm biến áp 500kV Trung Nam - Thuận Nam, do Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (TNEC) thực hiện.
Đại diện nhà thầu cũng lưu ý rằng, nếu có bất kỳ nhà thầu nào khác sử dụng dự án này để chứng minh kinh nghiệm hợp đồng tương tự, thì cần phải xem xét lại tính phù hợp. Đặc biệt, họ cho rằng đã xuất hiện tình trạng nhà thầu tham dự và nhà thầu tư vấn có chung một cơ quan chủ quản.
Đến ngày 25/9, liên danh nhà thầu tiếp tục gửi văn bản kiến nghị khẩn, yêu cầu hoãn việc mở hồ sơ đề xuất tài chính và đề nghị tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan. Cuộc họp này nhằm làm rõ các giải pháp đã đề xuất trong HSDT để củng cố tính chính xác của kết quả chấm thầu.
Liên danh nhà thầu cũng đề xuất mở hồ sơ dự thầu của họ để tham khảo và chứng minh khiếu nại là chính xác, đồng thời đề nghị giao hồ sơ cho một bên thứ ba độc lập bảo quản nhằm đảm bảo tính nguyên bản trong trường hợp cần làm bằng chứng cho các giai đoạn tiếp theo và liên danh sẵn sàng chịu mọi chi phí liên quan.
Tại công văn phản hồi, ông Nguyễn Tiến Việt - Phó Tổng Giám đốc ACV cho biết việc công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Gói thầu 4.8 đã được thực hiện đúng quy định.
Quá trình đánh giá HSDT của các nhà thầu cũng đang được tiến hành một cách cẩn trọng, bảo mật.
Mặc dù vậy, vào ngày 27/9, ACV đã tạm dừng việc công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và đến ngày 29/9, họ tiếp tục khẳng định rằng việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu 4.8 đã tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Về việc gia hạn thời gian mở hồ sơ đề xuất tài chính, ACV cho biết, điều này nhằm đảm bảo việc rà soát và đối chiếu thông tin một cách khách quan, minh bạch.
ACV cũng nhấn mạnh rằng mọi quy trình từ mở giá dự thầu đến bảo quản hồ sơ dự thầu sẽ được thực hiện đúng theo quy định về lưu trữ và lựa chọn nhà thầu.
Dự án Sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, công suất dự kiến 25 triệu lượt khách/năm, dự kiến khai thác vào năm 2026.
Giai đoạn 2 triển khai từ 2028 - 2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3, sau năm 2035, sẽ nâng công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm, biến Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.