Dự án sân bay gần 8.000 tỷ trên mặt biển kỳ vọng là 'bàn đạp' mới cho tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương
Dự án sân bay nằm trên mặt biển ven bờ đang được địa phương đề xuất quy hoạch dự kiến sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.
Theo báo Tiền Phong, Bộ Giao thông vận tải đang xem xét tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa về Đề án quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong  (sân bay Vân Phong), tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa, sân bay Vân Phong được nghiên cứu triển khai trên diện tích đất khoảng hơn 497ha thuộc địa phận xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, khu vực Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Khu vực này cách TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 65km, cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 101km về phía Nam và các sân bay Tuy Hòa khoảng 49km về phía Bắc.
Dự kiến, quy hoạch sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử và không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão.
Trong giai đoạn 1 (từ năm 2023 - 2029), sân bay Vân Phong sẽ được đầu tư quy mô công suất là 1,5 triệu hành khách/năm, theo tiêu chuẩn thiết kế ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1; đường cất hạ cánh trục Đông Bắc - Tây Nam dài 3.050m, cao trình sân bay dự kiến+5m. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2029. Tổng vốn đầu tư dự án trong giai đoạn 1 gần 8.000 tỷ đồng.
Nếu có thể triển khai dự án theo phương thức PPP, toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện, giúp tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý Nhà nước.
Trước đó, chia sẻ trên báo Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa  cho biết, dự án sân bay Vân Phong được đầu tư sẽ tạo không gian phát triển kinh tế cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây nguyên nói chung và cho tỉnh Khánh Hòa cũng như Khu kinh tế Vân Phong nói riêng. Từ đây, dự án sẽ góp phần đáng kể vào việc hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, và dịch vụ du lịch, khai thác hiệu quả quỹ đất, đồng thời tạo động lực mới cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kết nối các vùng kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, sân bay Vân Phong sẽ tạo thuận lợi di chuyển của người dân địa phương, khách du lịch và chuyên gia; thúc đẩy Khu kinh tế Vân Phong sớm trở thành đô thị thông minh, trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp. Dự án cũng tạo điều kiện khai thác các tiềm năng trong khu vực, kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, lưu thông thuận lợi, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, cả nước có 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trong số đó có tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ cùng 7 địa phương là Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương trở thành đô thị loại I.
>> Hạng mục 3.500 tỷ quan trọng bậc nhất của sân bay Long Thành sắp 'cán đích'