Tỉnh ven biển sắp lên TP trực thuộc Trung ương dự chi 7.900 tỷ xây sân bay thứ hai theo hình thức đặc biệt
Địa phương này dự kiến xây mới sân bay với tổng vốn đầu tư khoảng 7.900 tỷ đồng, dự kiến công xuất hành khách tại đây đạt 1,5 triệu hành khách/năm.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam về Đề án quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong  (sân bay Vân Phong), tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương thức PPP.
Theo đó, sân bay Vân Phong được đề xuất triển khai trên địa bàn xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình cách TP. Nha Trang khoảng 65km về phía Nam và cách sân bay đầu tiên của tỉnh là sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 101km về phía Nam, cách Cảng hàng không Tuy Hòa khoảng 49km về phía Bắc.
Tổng diện tích sân bay khoảng 497ha. Khu vực xây dựng sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử và không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão, thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình hiện hữu.
Đường cất hạ cánh trục Đông Bắc - Tây Nam dài 3.050m, cao trình sân bay dự kiến+5,00m.
Dự kiến, sân bay Vân Phong sẽ hoàn thành trong năm 2029. Giai đoạn đầu khi đi vào hoạt động, sân bay sẽ khai thác với công suất là 1,5 triệu hành khách/năm, theo tiêu chuẩn thiết kế ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp I.
Về phương thức đầu tư dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra 3 phương án đầu tư sân bay Vân Phong theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Phương án 1, Nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ di dời. Nhà đầu tư PPP đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sân bay.
>> Từ 1/8, 8 trường hợp vi phạm về đất đai bị thu hồi: 'Thẳng tay' với dự án chậm tiến độ 
Phương án 2, nhà đầu tư PPP đầu tư một số công trình thiết yếu gồm: Xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, hạ tầng giao thông.
Nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) đầu tư các hạng mục còn lại, gồm: San nền sân bay; xây dựng đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn; xây dựng các công trình đảm bảo hoạt động bay.
Phương án 3, nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ di dời; đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay.
Nhà đầu tư PPP đầu tư các hạng mục còn lại, gồm: San nền khu hàng không dân dụng; xây dựng khu bay, khu hàng không dân dụng; hệ thống giao thông kết nối.
Với đề xuất như trên, UBND tỉnh Khánh Hòa  đề xuất mức đầu tư sơ bộ sân bay Vân Phong giai đoạn đầu khoảng 7.892 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), trong đó, vốn ngân sách Nhà nước được đề xuất hỗ trợ khoảng 2.150 tỷ đồng (chiếm 27,2%) thực hiện dự án: đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay. Phần vốn đầu tư BOT khoảng 5.742 tỷ đồng (chiếm 72,8%) bao gồm phần vốn chủ sở hữu và phần vốn vay thương mại do nhà đầu tư huy động. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 47 năm.
Nếu đề xuất được thông qua, sân bay Vân Phong sẽ là một trong những sân bay hiếm hoi của Việt Nam đầu tư theo phương thức PPP. Hiện tại, Việt Nam có sân bay Vân Đồn là sân bay đầu tiên triển khai theo hình thức này và đã đi vào hoạt động. Sân bay Quảng Trị được phê duyệt đầu tư PPP cũng vừa khởi công vào đầu tháng 7 vừa qua.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, địa phương này đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ đạt tiêu chí đô thị loại I và lên thành phố trực thuộc Trung ương.