Dù bão gió có qua đây...
Tết đã ngấp nghé bên thềm, người Hà thành lại thắc thỏm nhớ một vùng hoa nức tiếng từ thuở Kinh kỳ, nơi có chợ hoa Quảng Bá, vườn đào Nhật Tân, làng quất Tứ Liên… ngự trị.
Bão lũ đi qua, nhịp sống trở lại, mà nỗi lo thiếu vắng quất đào cứ đầy vơi, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.
1. Nghe ông bạn người gốc làng đào Nhật Tân kể mà lòng thấy dịu nhẹ: “Đào quất đang vào “vụ mùa làm mật”, các vườn đào đang gấp rút các công đoạn tuốt lá, chăm sóc đào để chúng bung nở khoe sắc đúng thời điểm. Tết này vẫn có đào thắm, có quất vàng… Yên tâm nhé!”. Đúng là chỉ có những người mê đắm Hà Nội mới hiểu những hụt hẫng nếu Tết vắng quất, đào, vắng thược dược, lay ơn, violet… Đúng là chỉ có những người cất giấu Hà thành trong trái tim mới thắc thỏm ngóng trông những sắc hương riêng có của mảnh đất nghìn năm khi mùa Xuân đến bên thềm.
Nghe ông bạn già kể về chuỗi ngày người làng “cứu” đào, quất khi bão Yagi  đi qua, mà vừa thương vừa cảm phục. Ngay khi nước sông Hồng vừa rút, nhà nào nhà nấy mê mải hút nước, dọn bùn ở từng gốc đào, quất. Người trồng hoa cây cảnh thương từng nhánh cây, nên lần từng gốc rễ, phần nào bị úng nước thì cắt bỏ để cứu lấy phần có thể hồi sinh.
Ông bạn tôi kể như nhẩm đếm: ở làng quất Tứ Liên, nhà bà Tuyết cứu được 300 cây, nhà chị Hà giữ được 100 cây, nhà ông Minh cứu 250 cây quất và 100 cây đào… Ngoài chăm những cây còn sống sót, người làng còn tất tả ngược Xuân Mai, Phú Thọ, sang Vĩnh Phúc, về Thanh Hóa, Nam Định… mang gốc về trồng, khoảng 3 - 4 tháng rồi ghép mắt đào Nhật Tân. Mà có phải cứ có “cầu” là có “cung” đâu, dù giá cây tăng gấp 7 - 8 lần, thế mà nhiều bà con vẫn không thể mua được…
Ghé đến các vườn đào, vườn quất khoảng thời gian này, thấy những mầm hoa, mầm quả nhú lên mà lòng xôn xao thương nhớ lạ. Dù diện tích trồng những loại cây mang sắc Xuân Hà thành ấy không được phủ kín như trước đây, nhưng sức sống vẫn còn đó - trong những thân đào, gốc quất chuyên chở theo cả niềm yêu vô bờ với thú chơi tao nhã chốn Kinh kỳ đô hội.
Thực là từ cuối tháng 11, các vườn đào Nhật Tân đã hối hả vào vụ tuốt lá, chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, cho đào ra nụ để sẵn sàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2024. Các vườn đào bên Phú Thượng, Quảng An, các vườn quất bên Tứ Liên, ruộng hoa bên Quảng Bá… cũng vậy. Nghĩa là Tết này, đào quất vẫn còn, vẫn thổi hương sắc mùa Xuân vào không gian đầm ấm của gia đình người Hà Nội dù bão gió có qua chốn này.
2. Lại chợt nhớ những tan hoang khi cơn bão Yagi quét qua TP hồi trung tuần tháng 9. Theo ước tính của nhà quản lý địa phương, khoảng 30 - 40% diện tích cây trồng tại các vườn đào, quất ở các phường Nhật Tân, Phú Thượng, Tứ Liên, Quảng An (quận Tây Hồ) bị dập vùi trong mưa bão và nước ngập. Tính ra, nhà thì mất gần 500 cây quất và hơn 300 cây đào cành; nhà thì chỉ còn 1/3 số cây so với ngày trước bão; nhà lại chỉ cứu được vỏn vẹn 100 gốc hoa nằm trên rẻo đất cao nhất… Người ta đã thống kê, 125ha trồng đào, quất, hoa màu tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng. Xót xa lắm, tiếc lắm, mà cũng đành…
May mà người trồng cây luôn vững tâm và thủy chung với nghề. Họ gắng gỏi chăm sóc những cây còn sống và nhập thêm cây từ các vườn quất ở Hưng Yên về để đón vụ Tết; họ nỗ lực hồi sinh vườn cây, đồng thời xen canh hoa màu ngắn ngày đón Tết… Người trồng cây động viên nhau rằng, trong cái rủi cũng có cái may. Dù bị mất tới 80% vườn cây quất, đào nhưng nhìn ở góc độ khác thì cơn lũ cũng có thể mang lại cơ hội mới khi lớp phù sa sông Hồng bồi đắp cho đất đai. Không có gió sông Hồng thì không có đào Nhật Tân. Không có phù sa sông mẹ thì không có quất Tứ Liên. Còn cây là còn hy vọng, còn đất là còn cơ hội tái canh tác.
Cũng may, nhà quản lý thấu hiểu và chia sẻ với người trồng cây. Ngay sau cơn bão, quận Tây Hồ đã ngay lập tức triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, giúp người dân ổn định cuộc sống. Cùng với việc giãn nợ, cho vay vốn phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, người dân còn được các đơn vị chuyên môn hướng dẫn tổ chức canh tác lại cây ngắn ngày nhằm bảo đảm cuộc sống.
Quận Tây Hồ cũng bố trí khoảng 85 tỷ đồng để cho vay, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài vốn và kỹ thuật trồng cây, người trồng cây cũng được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các diện tích còn lại…
Những người dân làng đào quất Tây Hồ hy vọng, dù không thể đáp ứng được quất đào cho các tỉnh, thành, nhưng, họ sẽ cố gắng chăm sóc cây để có thể đáp ứng phần nào thú vui tao nhã của người dân đất Kinh kỳ đón Tết Ất Tỵ. Bởi mỗi cành đào, cây quất đều chất chứa những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
3. Ông bạn già người làng đào Nhật Tân của tôi nói bằng cái giọng đầy dự báo: “Tết này vẫn có đào, quất, nhưng mà đắt!”. Thì rõ rồi, nguồn cung giảm đi vì bão lũ, mà cầu thì vẫn “ngóng đợi” từ năm này sang năm khác, nên giá cả biến động cũng là lẽ thường. Chắc chắn những cây đẹp và hiếm sẽ có giá trị cao hơn hẳn. Và chắc chắn người chơi đào, quất cũng sẽ có xu hướng lên vườn đặt mua cây sớm hơn mọi năm.
Người làng đào, quất đã “bấm bụng” rằng, từ nay đến Tết tiết trời sẽ rét hơn năm ngoái, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cây, vì nếu người trồng có kinh nghiệm chăm sóc thì đào vẫn ra hoa, quất vẫn cho quả bình thường. Người trồng cây cũng khẳng định, số đào quất ở vùng Nhật Tân, Phú Thượng, Quảng Bá, Tứ Liên… thêm vùng lân cận là Hưng Yên, Vĩnh Phúc… vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết sắp tới. Chỉ có điều giá cả sẽ tăng hơn ít nhất 20 - 30% so với năm ngoái…
Vậy là, dù bão gió có ngang qua đây thì Tết này, người Hà thành vẫn có đào, quất, có thược dược, violet… Những cành xanh đang mơn mởn, những nụ hoa đang chúm chím tại các làng hoa, mang tới hy vọng về một mùa đào, mùa quất Tây Hồ sẽ lại khoe sắc rực rỡ. Những cành xanh đang mơn mởn, những nụ hoa đang chúm chím, những quả xanh đang được “thổi” lớn để chuyển màu đã xua tan nỗi lo Tết này vắng quất, đào thường trực trong lòng người Hà Nội mấy tháng nay.
Người Hà Nội là thế, khi những cành đào, cây quất được chở từ vườn về phố là như thấy mùa Xuân đến gần hơn. Những cành đào với những cánh hoa to, đẹp và dày cùng cây quất quả vàng óng trĩu nặng trên cành, không chỉ đem không khí Tết mà còn tạo nên hình ảnh của sự thịnh vượng, đoàn viên…
Ít ngày nữa thôi, quất, đào sẽ lại về phố...
>> Sức hút của hàng Việt mùa Tết: 'Được lòng' khách hàng từ chợ truyền thống đến siêu thị