Dự báo KQKD quý I/2025: Ngân hàng, điện tích cực, nhóm dầu khí khó bứt phá
Chuyên gia chứng khoán nhận định kinh tế quý I/2025 đang phục hồi rõ rệt, trong đó 3 nhóm ngành điện – dầu khí – ngân hàng mang một câu chuyện riêng, nhưng đều mở ra những cơ hội cụ thể cho nhà đầu tư.
Trong chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” phát sóng ngày 31/03/2025, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) – đã đưa ra góc nhìn tổng quan về kinh tế vĩ mô quý I cũng như đánh giá chi tiết 3 nhóm ngành: Điện, dầu khí và ngân hàng.
![]() |
Ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu VPBankS |
Theo ông Dương, nền kinh tế Việt Nam đang có những bước phục hồi rõ rệt, với nhiều chỉ số vĩ mô tích cực, tạo nền tảng cho kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2025.
Ông Dương nhận định, điểm sáng nhất hiện tại chính là câu chuyện tăng trưởng kinh tế, mà trong đó sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì đà tăng ổn định. Đây được xem là một trong những động lực lớn đóng góp vào GDP năm nay. Đặc biệt, đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã đạt mức nhanh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây – một tín hiệu cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế thực.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu hơn 1,5 tỷ USD, bất chấp những lo ngại từ cuộc chiến thương mại giai đoạn 2. Điều đáng chú ý là cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng, chứng minh sức cầu và năng lực sản xuất đều đang cải thiện. CPI quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước và tín dụng duy trì tăng trưởng dương cũng cho thấy môi trường vĩ mô ổn định, hỗ trợ cho hoạt động đầu tư và tiêu dùng.
Ngành điện: Kỳ vọng ổn định, cần lưu ý định giá
Về ngành điện, ông Dương cho biết nhóm này đã có 3 quý liên tiếp ghi nhận kết quả tích cực, bắt đầu từ nửa cuối năm 2024. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tuy không quá vượt trội so với mặt bằng thị trường, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì vẫn ở mức khá tích cực. Những yếu tố như sản lượng tiêu thụ điện ổn định và giá bán bình quân được cải thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết trong ngành.
Dự báo lợi nhuận trước thuế quý I/2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp. REE , POW và PC1  ghi nhận tăng trưởng 10–15%, trong khi nhiều doanh nghiệp còn lại có mức tăng khiêm tốn. Một số đơn vị thậm chí có thể chuyển từ lỗ sang lãi, đặc biệt là những công ty hoạt động đa ngành. Tuy nhiên, xét về định giá, các cổ phiếu điện hiện không còn rẻ, với P/E và P/B ở mức tương đối cao, phản ánh kỳ vọng của thị trường đã được “giá hóa” phần lớn.
![]() |
Các cổ phiếu điện hiện không còn rẻ, với P/E và P/B ở mức tương đối cao (Ảnh minh họa) |
Dưới góc nhìn hệ thống, ngành điện năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc phân tích Vietcombank Securities cho biết, sản lượng điện toàn hệ thống dự kiến tăng 11,3% so với năm 2024, đặc biệt các tháng mùa khô có thể đạt mức tăng trung bình 13%. Nhu cầu điện tăng chủ yếu đến từ các ngành công nghiệp và xây dựng, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ. Tuy nhiên, khu vực miền Bắc có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện cục bộ khi tỷ lệ dự phòng chỉ đạt 3–4%, gây áp lực lớn lên các nguồn nhiệt điện và hạ tầng truyền tải.
Cơ cấu nguồn điện đang có sự chuyển dịch. Nhiệt điện than vẫn giữ tỷ trọng lớn nhất (37,5%), song điện gió, điện mặt trời và LNG đang dần khẳng định vai trò, đặc biệt khi các dự án chuyển tiếp đã hoàn tất đàm phán PPA. 2 nhà máy điện khí LNG mới đưa vào vận hành sẽ đóng góp thêm hơn 11 tỷ kWh. Tổng công suất toàn hệ thống dự kiến đạt 94,2GW, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành dầu khí: Định giá hấp dẫn trong bối cảnh chưa bứt phá
Với ngành dầu khí, ông Đào Hồng Dương cho rằng lợi nhuận quý I chưa có dấu hiệu bứt phá, nguyên nhân đến từ kỳ nghỉ dài, giá dầu duy trì ở mức thấp và nhu cầu tiêu thụ chưa thực sự phục hồi. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến định giá nhóm cổ phiếu dầu khí trở nên hấp dẫn hơn so với nhiều ngành khác.
Theo ông Dương, các cổ phiếu dầu khí đã có đợt điều chỉnh khá mạnh, đi ngược xu hướng tăng của thị trường. P/E và P/B của nhóm này hiện đã trở về vùng thấp so với cả trung bình thị trường lẫn lịch sử định giá của chính ngành. VPBankS dự báo lợi nhuận toàn ngành có thể tăng khoảng 13% trong năm nay, mở ra dư địa đầu tư trung – dài hạn tương đối rõ ràng.
![]() |
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý I/2025 và cả năm 2025 các nhóm ngành (Nguồn: MBS dự phóng) |
Dự phóng từ Chứng khoán MB (MBS ) cũng cho thấy bức tranh tương tự. Trong bối cảnh VN-Index có thể tăng trưởng lợi nhuận khoảng 17% trong quý I/2025, thì nhóm cổ phiếu dầu khí cùng với hàng không là 2 ngành được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn nhất.
Nguyên nhân chính là do diễn biến giá dầu Brent đi xuống. Sau khi tăng lên vùng 82 USD/thùng vào giữa tháng 1/2025, giá dầu nhanh chóng giảm về mức 70–72 USD/thùng do tồn kho cao và nhu cầu chưa phục hồi rõ rệt. Sự suy yếu này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là mảng hạ nguồn như lọc dầu và phân phối xăng dầu.
Ngành ngân hàng: Tăng trưởng ổn định, phân hóa rõ rệt
Với nhóm ngân hàng, ông Đào Hồng Dương tỏ ra lạc quan khi cho rằng ngành này sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong cả quý I và năm 2025. Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% được giữ vững, thì tín dụng sẽ phải tăng tối thiểu 16% – qua đó đảm bảo mức lợi nhuận ngành duy trì tương đương, thậm chí cao hơn năm ngoái. Vốn hóa của nhóm ngân hàng hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường và nhìn trong khung thời gian 5 năm, hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều đã duy trì đà tăng bền vững.
Tuy nhiên, ông Dương cũng lưu ý rằng sự phân hóa sẽ rõ nét hơn trong năm nay. Áp lực từ biên lãi thuần (NIM), sự khác biệt trong tốc độ hồi phục các mảng kinh doanh, cũng như chiến lược đầu tư công nghệ sẽ là những yếu tố tạo nên khoảng cách giữa các ngân hàng.
![]() |
Nguồn: VIS Rating |
Đánh giá từ VIS Rating càng củng cố thêm triển vọng này. Năm 2025, chất lượng tài sản ngành ngân hàng tiếp tục được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu hình thành mới giảm xuống còn 2,2%, trong khi NIM dự kiến tăng lên 3,5%. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 15–16%, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, thương mại và bất động sản.
Ngoài ra, lợi nhuận toàn ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện với ROAA tăng từ 1,55% lên 1,60%, nhờ chi phí tín dụng giảm và doanh thu ngoài lãi (trái phiếu, bán bảo hiểm, thu hồi nợ) có chiều hướng tăng nhẹ.
Một yếu tố không thể bỏ qua là sự phát triển của ngân hàng số. Tỷ lệ giao dịch số dự kiến chiếm trên 70% tổng số giao dịch toàn ngành vào cuối năm nay, giúp giảm chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả hoạt động. Dù vậy, rủi ro từ thị trường bất động sản và áp lực thanh khoản ở các ngân hàng nhỏ vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.
>> Đà tăng của cổ phiếu SHB có thể kéo dài thêm, 'sóng lớn' ngành ngân hàng đang đến?