Vĩ mô

Dự kiến sáp nhập: Một địa phương mới sẽ có 2 sân bay cùng loạt cảng biển quan trọng

Phúc Lam 02/04/2025 19:53

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc sáp nhập này là cơ hội lịch sử để xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam, chiều ngày 29/3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thông tin những định hướng về sắp xếp, tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai rất quyết liệt, kiên quyết và dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, được sự đồng thuận cao.

Đối với Quảng Nam và Đà Nẵng, Tổng Bí thư cho rằng mỗi địa phương đều đang tồn tại những vấn đề.

Tổng Bí thư nói: “So sánh giữa hai địa phương, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương khác. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương”.

Từ đó, Tổng Bí thư nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là hai địa phương giáp ranh nhau, thuộc miền Trung nước ta. Trước đây, Quảng Nam và Đà Nẵng là một tỉnh. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ngày 6/11/1996 đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

>>Lý do gì khiến 11 tỉnh, thành này giữ nguyên khi cả nước thực hiện sáp nhập?

Dự kiến sáp nhập: Một địa phương mới sẽ có 2 sân bay cùng loạt cảng biển quan trọng
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng là sân bay lớn thứ 3 cả nước - Ảnh: Internet

Cả Quảng Nam và Đà Nẵng sau khi chia tách đã có những bước phát triển đột phá, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.

Đà Nẵng trở thành hình mẫu đô thị hiện đại với cơ sở hạ tầng bài bản. Đà Nẵng có hệ thống cảng biển nước sâu thuận lợi, đó là cảng Tiên Sa, cảng Thọ Quang và đang tiếp tục đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

Bên cạnh đó, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng là sân bay lớn thứ 3 cả nước, hàng ngày đón hàng trăm chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới. Song song với đó, nhiều tuyến đường bộ huyết mạch như cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - La Sơn; các tuyến đường quốc lộ 1A, 14B, 14G đi qua Đà Nẵng được đầu tư, nâng cấp đã kết nối thuận tiện Đà Nẵng với khu vực.

Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông vươn lên mạnh mẽ với trục phát triển công nghiệp tại Chu Lai – Trường Hải, kết nối cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và nhiều cụm công nghiệp khác.

Cảng hàng không Chu Lai nằm trên địa bàn xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Địa phương này đặt mục tiêu về các đầu mối giao thông (hàng không và cảng biển), sẽ phát triển mạnh lĩnh vực hàng không và cảng biển gắn với Khu kinh tế mở Chu Lai, hình thành trung tâm logistics của khu vực.

Phát triển cảng hàng không quốc tế Chu Lai đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, sẵn sàng nâng công suất để chia sẻ lưu lượng khi sân bay Đà Nẵng đạt ngưỡng khai thác. Phát triển hạ tầng cảng biển Quảng Nam thành cảng loại 1 đáp ứng yêu cầu thông quan hàng hóa.

>>Đề xuất 2 trường hợp không bắt buộc phải sáp nhập tỉnh, xã

Hàng ngàn lãnh đạo tỉnh và huyện, hàng vạn cán bộ xã, ai đi ai ở khi sáp nhập?

Sáp nhập tỉnh: Phân bổ thế nào để không cục bộ, bè phái

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-kien-sap-nhap-mot-dia-phuong-moi-se-co-2-san-bay-cung-loat-cang-bien-quan-trong-285502.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dự kiến sáp nhập: Một địa phương mới sẽ có 2 sân bay cùng loạt cảng biển quan trọng
    POWERED BY ONECMS & INTECH