Vĩ mô

Sáp nhập tỉnh: Từ tiếng lách cách xe đạp trên đường sỏi đến cú nhấp chuột tiền tỷ

Thành Huế - Thiết kế: Minh Hoà 01/04/2025 08:40

Từ những ngày làm công chức đạp xe đến các phiên tòa lưu động thập niên 1990 đến hiện tại là giám đốc DN tư nhân, nhấp chuột chốt đơn tiền tỷ, ông Đào Quang Chuyện thấy rõ bước chuyển mình của đất nước qua những lần sắp xếp đơn vị hành chính.

Lời tòa soạn

Việt Nam đã trải qua nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính, chia tách và sáp nhập tỉnh, thành nhằm đáp ứng quá trình phát triển và quản lý điều hành trong từng giai đoạn lịch sử.

Lần này, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các địa phương sẽ thực hiện cuộc sắp xếp đơn vị hành chính với quy mô toàn diện, sâu rộng ở cả cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, sẽ sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và cơ sở).

Nhìn lại quá khứ sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm cần thiết cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới.

VietNamNet thực hiện loạt bài "Sáp nhập tỉnh, nhìn lại quá khứ, vươn tới tương lai” nhằm chia sẻ một số góc nhìn cũng như kinh nghiệm hay, cách làm quý của những người đã có trải nghiệm qua những lần thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trước đây.

Gần 30 năm trước, khi tỉnh Hải Hưng chưa được chia tách thành Hải Dương và Hưng Yên, ông Đào Quang Chuyện, lúc đó là thư ký Tòa án nhân dân tỉnh đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống hành chính và xã hội.

Sau khi tách tỉnh (năm 1996), ông Chuyện tiếp tục công tác tại Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương với vai trò thẩm phán. Sau một thời gian dài gắn bó với ngành tư pháp, ông quyết định rời Nhà nước, rẽ hướng sang con đường kinh doanh, mở công ty sản xuất bánh đậu xanh - đặc sản của quê hương.

“Tôi nhớ những năm 1990, 1991, đường sá đi lại còn khó khăn. Để xét xử một vụ án lưu động ở huyện, tôi phải đạp xe trên con đường lọc cọc rải đất cấp phối, sỏi và đá dăm từ tờ mờ sáng. Tôi mất gần 3 tiếng đồng hồ đạp xe để kịp có mặt chuẩn bị cho phiên tòa.

Khoảng những năm 1990-1994, có thời gian làm ở phòng thẩm tra, tôi phải đi kiểm tra hồ sơ vụ án ở các huyện. Mỗi lần đi - về các huyện trong tỉnh Hải Hưng mất 5-6 tiếng đạp xe”, ông Chuyện hồi tưởng.

Cũng theo ông Chuyện, những năm đó, người dân muốn làm thủ tục hành chính như đăng ký xe hay chứng minh thư... phải lặn lội bắt xe khách lên trung tâm tỉnh, vô cùng vất vả.

Sau khi rời Nhà nước để khởi nghiệp, ông Chuyện đã gây dựng thương hiệu bánh đậu xanh nổi tiếng ở Hải Dương, trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Ông cho rằng, chính những khó khăn của giai đoạn đầu đã rèn luyện ông có cái nhìn thực tế và bản lĩnh trong kinh doanh.

Về chủ trương sáp nhập tỉnh hiện nay, ông Chuyện ủng hộ mạnh mẽ: “Xã hội đã thay đổi, không thể phát triển kinh tế trong những giới hạn hành chính nhỏ lẻ nữa. Việc sáp nhập sẽ mở ra không gian rộng lớn hơn cho phát triển kinh tế”.

52 tỉnh, thành trong diện đề xuất sáp nhập có những địa danh gắn bó với ông Chuyện là Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng. Việc sắp xếp các cấp đơn vị hành chính (ĐVHC), theo Bộ Nội vụ, không chỉ dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, mà còn cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, và dân tộc.

Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp ĐVHC, sáp nhập tỉnh là thúc đẩy phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho các ĐVHC mới, phát huy vai trò của các vùng động lực, hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng.

Ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề, gần gũi, phù hợp với định hướng phát triển, nhằm hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Chuyện lấy ví dụ, thay vì mỗi tỉnh đều muốn thành lập trung tâm dịch vụ logistics, khi sáp nhập tỉnh có thể dồn lực để tạo ra những trung tâm hiện đại, thông minh tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thay vì mỗi tỉnh có vùng nguyên liệu nhỏ lẻ thì khi sáp nhập, tỉnh sẽ lớn và nguồn lực phụ trợ tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tinh giản bộ máy sẽ giúp tận dụng tốt hơn nguồn lực con người.

Cùng chia sẻ góc nhìn này, ông Cáp Trọng Cường, lãnh đạo một công ty lớn trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển cho rằng, hiện nay, hệ thống giao thông đã phát triển mạnh mẽ. Những đường cao tốc hiện đại, nhiều sân bay mới, cảng biển mới, hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam sắp được triển khai và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp thế giới trở nên phẳng, dịch vụ công trực tuyến, bán hàng online...

Việc sáp nhập tỉnh, tinh gọn bộ máy sẽ làm giảm gánh nặng chi thường xuyên và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

“Hiện nay, ngân sách dành 70% chi thường xuyên, trong đó phần lớn chi trả lương nuôi bộ máy hành chính, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, đất nước muốn đi lên, chi đầu tư phát triển phải lớn, phải cao hơn chi thường xuyên. Chính vì vậy, nếu cắt giảm chi phí cho bộ máy, nguồn lực sẽ được chuyển sang phát triển hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư...,” ông Cường phân tích.

Bên cạnh đó, việc không tổ chức cấp huyện sẽ giúp người dân và doanh nghiệp giảm được một “cửa” khi làm các thủ tục hành chính.

Ông Cường phân tích, trước đây, để hoàn tất thủ tục cho một dự án lớn, thời gian nhanh nhất cũng mất khoảng 1 năm, thậm chí kéo dài 2-3 năm.

Quy trình triển khai dự án bắt đầu từ việc trình cấp tỉnh phê duyệt chủ trương. Khi được chấp thuận, chủ đầu tư mới tiến hành nghiên cứu, đề xuất phương án. Cấp tỉnh sau đó gửi ý kiến xuống quận, huyện để rà soát, lấy ý kiến. Tiếp theo, hồ sơ được trình lên các bộ, ngành liên quan, rồi tổng hợp gửi lên Thủ tướng. Sau khi Thủ tướng phản hồi về địa phương để xem xét, hồ sơ mới được trình ký phê duyệt. Toàn bộ quy trình kéo dài, qua nhiều cấp xét duyệt.

“Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các quốc gia có ít cấp hành chính hơn thường giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn 20-30%. Tới đây, chúng ta sáp nhập ĐVHC, không còn cấp huyện, quy trình sẽ giảm, bớt sự chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm. Khi đó, cấp xã có thể đóng vai trò là cấp khảo sát thực địa và thống kê thực trạng, để trình lên tỉnh. Cấp tỉnh sẽ họp và quyết định, không cần qua huyện như trước. Điều này sẽ rút ngắn thời gian thẩm định dự án”, ông Cường chia sẻ.

Ở một khía cạnh khác, với kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, ông Cường cho rằng bộ máy nhân sự cồng kềnh làm giảm hiệu suất công việc.

“Đơn vị nào có bộ máy nhân sự dư thừa thì công việc xử lý chậm. Bởi, người này sẽ nhìn người kia để so sánh 'tại sao tôi phải làm nhiều?. Từ đó sẽ xảy ra tình trạng đùn đẩy, né việc. Nhưng một đơn vị có bộ máy nhân lực vừa đủ hoặc hơi thiếu thì sẽ 'chạy' rất nhanh. Bộ máy tinh gọn, nhân viên sẽ làm việc hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn, đặc biệt khi được trả lương cao hơn trước hoặc cao so với mặt bằng chung”, ông Cường phân tích.

Nếu như trước đây, giao thông đi lại khó khăn là một trong những yếu tố dẫn tới việc tách tỉnh, thì ngày nay, theo ông Chuyện, câu chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Chỉ cần 1 chiếc máy tính và đường truyền Internet, sau cú click chuột, người dân có thể hoàn thành thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia... Doanh nghiệp có thể nhập và bán những đơn hàng tiền tỷ nhanh chóng với các đối tác nước ngoài.

Ông Chuyện từng công tác trong giai đoạn sắp xếp bộ máy cán bộ thời kỳ chia tách tỉnh cách đây gần 30 năm, giờ đây chứng kiến đất nước có sự thay đổi lớn khi tinh gọn bộ máy, hợp nhất các tỉnh, không còn cấp huyện, sáp nhập cấp xã.

“Sẽ có những tâm tư, xáo trộn nhưng đây là việc phải làm. Người thuộc diện cắt giảm sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, nếu đón nhận mọi quyết định với tâm thế tích cực, mỗi người sẽ tìm được lối đi cho mình… như cách tôi đã tự mở ra con đường mới cách đây hơn 20 năm”, ông Chuyện trải lòng.

Theo đánh giá của vị giám đốc này, hiện nay, thị trường việc làm có thể hấp thụ một lượng lớn lao động. Chính vì thế, sẽ không có tình trạng người lao động không có việc làm khi bị “văng” ra khỏi bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, đây là cơ hội để hình thành một cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ.

“Những người rời khỏi bộ máy hành chính đều có kinh nghiệm quản lý, có mối quan hệ xã hội rộng rãi. Họ hoàn toàn có thể khởi nghiệp, tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới”, ông Chuyện nhận định.

>> Tỉnh miền Trung dự kiến không sáp nhập, là 'quê vua đất chúa' nghìn năm lịch sử

Sáp nhập tỉnh/thành: Cẩn trọng trước cơn 'sốt đất ảo'

Thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, là TP trực thuộc Trung ương lớn thứ 4 Việt Nam nhất trí sáp nhập tỉnh láng giềng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/sap-nhap-tinh-tieng-lach-cach-xe-dap-tren-duong-soi-den-cu-nhap-chuot-tien-ti-2386346.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sáp nhập tỉnh: Từ tiếng lách cách xe đạp trên đường sỏi đến cú nhấp chuột tiền tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH