Doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu vẫn gây nhiều tranh cãi

Hạnh Nguyên 04/10/2024 09:35

Nhóm thương nhân phân phối xăng dầu và thương nhân bán lẻ xăng dầu phản ứng mạnh trước những quy định chưa mang tính thị trường của dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu. Cơ quan soạn thảo nói gì?

Doanh nghiệp phản ứng mạnh, cơ quan soạn thảo nói gì?

Nhóm thương nhân phân phối xăng dầu và thương nhân bán lẻ xăng dầu vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến việc sửa nghị định kinh doanh xăng dầu - dự thảo số 04 đang được Bộ Công thương lấy ý kiến. Nghị định mới này sẽ thay thế Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023.

Trong kiến nghị gửi lên Thủ tướng, nhóm thương nhân xăng dầu cho rằng, dự thảo mới có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về cơ chế quản lý giá xăng dầu, việc tiếp tục duy trì phương pháp ấn định giá bán lẻ bằng mệnh lệnh hành chính, trong khi giá đầu vào nhập khẩu phụ thuộc thế giới là trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh và quy luật thị trường, phương pháp tính giá xăng dầu không bảo đảm minh bạch và cạnh tranh.

Nhóm thương nhân xăng dầu cũng thắc mắc tại sao vẫn quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước mà thương nhân phân phối lại không được? Hơn nữa, dự thảo Nghị định còn quy định thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác, trong khi thương nhân phân phối lại chỉ được hay buộc phải mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối, không được mua bán với nhau?

Theo đó, nhóm thương nhân này kiến nghị Chính phủ và các bộ liên quan xem xét sửa đổi dự thảo Nghị định với tinh thần đổi mới về phương thức và cơ chế quản lý, điều hành thị trường xăng dầu, theo hướng bảo đảm sự tuân thủ đúng khung khổ pháp luật hiện hành, hướng tới xây dựng một thị trường xăng dầu vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho rằng: Thứ nhất, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp), làm tăng thêm chi phí trong khâu này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.

gia xang 1 603 4111.jpg
Nhiều điểm mới của dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Chí Hùng

Thứ hai, việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối, tạo nên con số tiêu thụ "ảo", gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.

Thứ ba, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu.

Theo bà Hiền, dự thảo nghị định thiết kế theo hướng bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Qua đó, giúp thương nhân đầu mối tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để tính toán lượng mua, cung ứng ra thị trường.

Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bà Hiền cho rằng kinh doanh xăng dầu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau.

Ngoài ra, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn (làm thương nhân đầu mối).

Về cơ chế giá, theo bà Hiền, Dự thảo Nghị định đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá, quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

Cần thị trường hơn

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kỳ vọng dự thảo Nghị định xăng dầu được xây dựng theo hướng thị trường hơn. Bởi vì nếu nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu thì có thể đối diện tình trạng các nghị định phải sửa đi sửa lại vì không thể nào định giá chính xác được giá thị trường do mỗi doanh nghiệp mỗi khác, mỗi thời điểm một khác.

Cho nên tinh thần của nghị định này phải trao giá cho thị trường và nhà nước có cách quản lý khác. Tuy nhiên, theo VCCI, công thức tính giá và các chi phí thành phần tại dự thảo vẫn không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Vì thế đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.

Do đó, đại diện VCCI khuyến nghị cho phép doanh nghiệp tự định giá bán trên cơ sở phải đảm bảo công khai, minh bạch.

Về vấn đề thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng điều này có khả năng vi phạm quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, trong khi chúng ta luôn khẳng định mình là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trước lập luận cho phép thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, đại diện VCCI cho rằng lập luận này không phải bản chất, nếu đưa ra một giải pháp rất mạnh hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp thì phải hết sức cân nhắc.

“Quan điểm của VCCI là việc quy định thương nhân phân phối chỉ được mua bán của thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu của nhau là điều không nên”, ông Tuấn chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng việc cho phép thương nhân phân phối mua bán hàng hoá lẫn nhau sẽ tạo ra tính cạnh tranh hơn, thị trường hơn, phù hợp Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại.

>> Doanh nghiệp xăng dầu cho phép khách ‘đổ xăng trước trả tiền sau’ qua App

Kiến nghị rút giấy phép cửa hàng xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử

Giá xăng RON 95 tăng từ 15h hôm nay

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/du-thao-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-van-gay-nhieu-tranh-cai-2328653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu vẫn gây nhiều tranh cãi
    POWERED BY ONECMS & INTECH