Dự trữ của Fed giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ đại dịch
Dự trữ của hệ thống ngân hàng Mỹ, một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến chương trình thắt chặt định lượng của Fed, đã giảm xuống dưới 3 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Theo dữ liệu công bố ngày 3/1, dự trữ ngân hàng của Mỹ đã giảm khoảng 326 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 1/1, chỉ còn 2,89 nghìn tỷ USD. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất trong hơn hai năm rưỡi qua.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này đến từ áp lực cuối năm buộc các ngân hàng phải hạn chế các hoạt động sử dụng nhiều bảng cân đối kế toán, như giao dịch thỏa thuận mua lại, để củng cố sổ sách. Điều này dẫn đến việc chuyển tiền mặt sang các cơ sở như công cụ mua lại đảo ngược qua đêm (RRP ) của Fed, làm giảm thanh khoản trong các khoản mục nợ khác trên bảng cân đối của NHTW .
Dữ liệu cho thấy số dư tại RRP tăng thêm 375 tỷ USD trong giai đoạn từ 20/12 đến 31/12, nhưng sau đó giảm 234 tỷ USD vào ngày 4/1.
Đồng thời, Fed vẫn duy trì chương trình thắt chặt định lượng (quantitative tightening), tiếp tục rút tiền mặt dư thừa khỏi hệ thống tài chính. Ngoài ra, các tổ chức tài chính cũng đang thanh toán các khoản vay từ Chương trình tài trợ kỳ hạn của ngân hàng (BTFP), càng làm giảm nguồn dự trữ sẵn có.
Những diễn biến này cho thấy áp lực lên thanh khoản ngân hàng và khả năng Fed sẽ cân nhắc tác động trước khi tiếp tục chiến lược thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt định lượng (QT), các nhà chiến lược Phố Wall đang tập trung vào mức dự trữ tối thiểu  cần thiết để hệ thống ngân hàng vận hành ổn định.
Một số ước tính cho rằng mức này nằm trong khoảng 3 nghìn tỷ đến 3,25 nghìn tỷ USD, bao gồm cả một khoản đệm. Tại cuộc họp tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của Fed tái khẳng định cam kết tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Fed cũng đã điều chỉnh tỷ lệ chào bán trên cơ sở công cụ mua lại đảo ngược qua đêm (RRP) sao cho phù hợp với mức đáy của phạm vi lãi suất quỹ liên bang. Điều này tạo áp lực giảm lãi suất ngắn hạn, và một số nhà phân tích tin rằng biện pháp này có thể giúp ngăn chặn tình trạng khan hiếm dự trữ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là Fed có thể duy trì chính sách QT trong bao lâu mà không tái diễn kịch bản tháng 9/2019. Khi đó, sự thiếu hụt dự trữ nghiêm trọng – trong bối cảnh Fed đang thu hẹp bảng cân đối kế toán – đã dẫn đến sự gia tăng đột ngột lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất quỹ liên bang. Ngân hàng Trung ương buộc phải can thiệp khẩn cấp để ổn định thị trường tài chính.
Dù Fed đã giảm mức trần trái phiếu kho bạc được phép đáo hạn mà không tái đầu tư kể từ tháng 6/2023, thời điểm kết thúc hoàn toàn chương trình QT vẫn chưa được xác định.
Việc khôi phục lại trần nợ gần đây càng làm phức tạp thêm việc đánh giá mức dự trữ lý tưởng. Các biện pháp của Bộ Tài chính nhằm duy trì dưới mức trần nợ thường tạo ra thanh khoản giả tạo, che khuất các dấu hiệu về tình trạng khan hiếm dự trữ thực sự trong hệ thống tài chính.
Theo khảo sát của Văn phòng Thị trường Mở thuộc Fed New York, khoảng 2/3 các nhà kinh tế được khảo sát dự đoán chính sách thắt chặt định lượng sẽ kết thúc vào quý đầu tiên hoặc quý thứ hai năm 2025. Điều này phản ánh kỳ vọng rằng áp lực thanh khoản và những rủi ro tiềm tàng sẽ buộc Fed phải điều chỉnh chiến lược trong tương lai gần.
Theo WSJ
>> Nợ doanh nghiệp toàn cầu chạm mức kỷ lục 8.000 tỷ USD trong năm 2024 
Nhân dân tệ lao dốc xuống đáy 2 năm, USD mạnh lên gây sức ép lên tiền tệ châu Á 
Quốc gia châu Âu xả 1.000 tấn bơ từ kho dự trữ để hạ nhiệt lạm phát