Dùng 20.000 tấn thuốc nổ, xây dựng ‘siêu thủy điện’ trị giá 230.000 tỷ trên vách núi cao 3.000m: Có khả năng sản xuất tới 11 tỷ kWh điện mỗi năm, vị trí cao thứ hai thế giới
Là một công trình đập đất đá khổng lồ, thủy điện này cần tổng cộng 43 triệu m3 vật chất để lấp đầy, tiêu tốn 20.000 tấn thuốc nổ để xây dựng.
Lưỡng Hà Khẩu có nghĩa là “cửa của hai dòng sông” và đây là tên gọi của một "siêu" đập thủy điện tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đi vào hoạt động từ năm 2022. Được xây dựng dọc theo sông Nhã Lung, công trình  này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển nguồn năng lượng thủy điện  tại khu vực núi cao của Trung Quốc. Việc hoàn thành siêu đập Lưỡng Hà Khẩu trước thời hạn đã được coi là một sự kiện quan trọng trong lịch sử xây dựng các công trình thủy điện trên thế giới.
Việc thi công siêu đập Lưỡng Hà Khẩu bắt đầu từ tháng 10/2014 và hoàn thành vào cuối năm 2023. Tổ máy cuối cùng của công trình đã chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2022. Sông Nhã Lung, nơi đập được xây dựng, bắt nguồn từ chân núi phía nam dãy Nhan Khách Lạp Ba, thuộc Cao nguyên Thanh Tạng. Dòng sông này chảy qua các vùng Garze, Di Lương Sơn của châu tự trị dân tộc Tạng và địa cấp thị Phàn Chi Hoa thuộc tỉnh Tứ Xuyên với tổng chiều dài 1.571km và độ sụt tự nhiên lên tới 3.830m.
Theo thông tin từ Công ty Kỹ thuật Thành Đô, một đơn vị thuộc tập đoàn quốc doanh Power China, nhà máy thủy điện  Lưỡng Hà Khẩu được xây dựng ở độ cao trung bình 3.000m so với mực nước biển. Đây là công trình thủy điện cao nhất của Trung Quốc và cao thứ hai trên thế giới. Do nằm ở độ cao lớn, hàm lượng oxy tại khu vực này chỉ đạt khoảng 69% so với vùng đồng bằng, trong khi nhiệt độ mùa đông có thể giảm xuống còn -16 độ C.
Lưỡng Hà Khẩu là một công trình đập đất đá khổng lồ, đòi hỏi tổng cộng 43 triệu m3 vật liệu để lấp đầy, cùng với việc tiêu tốn 20.000 tấn thuốc nổ cho quá trình xây dựng (Ảnh: Internet)
Trạm thủy điện Lưỡng Hà Khẩu nằm ở hạ lưu cửa sông chính của sông Nhã Lung và phụ lưu của sông Qingda, tỉnh Tứ Xuyên. Điều kiện địa lý và môi trường đặc biệt tại khu vực này đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho quá trình thi công siêu đập. Các phương án xây dựng, thiết bị kỹ thuật, và nguồn nhân lực đều phải được tính toán kỹ lưỡng để thích nghi với môi trường khắc nghiệt.
Lưỡng Hà Khẩu là một công trình đập đất đá khổng lồ, đòi hỏi tổng cộng 43 triệu m3 vật liệu để lấp đầy, cùng với việc tiêu tốn 20.000 tấn thuốc nổ  cho quá trình xây dựng.
Công trình thủy điện Lưỡng Hà Khẩu bao gồm hơn 10 dốc, với chiều cao tối đa lên đến 684m, cao hơn khoảng 50m so với Tháp Thượng Hải – tòa nhà cao nhất Trung Quốc. Để đảm bảo sự ổn định và an toàn cho các dốc này, khoảng 16.000 dây cáp neo đã được lắp đặt trong quá trình thi công, mỗi dây cáp nặng khoảng 1 tấn. Khu vực nhà máy của siêu đập này có tổng diện tích lên tới 8.004m2, đánh dấu sự phát triển vượt bậc về kỹ thuật và quy mô của ngành xây dựng thủy điện Trung Quốc .
Trạm thủy điện Lưỡng Hà Khẩu có tốc độ xả lũ nhanh thứ hai trên thế giới, với lưu lượng tối đa của một cửa xả đạt 4.076m3/s. Con số này tương đương với lực tác động khi 160 xe tải loại 25 tấn va chạm nhau ở tốc độ 200km/h. Ngoài ra, siêu đập này còn sở hữu một hồ chứa khổng lồ, với tổng dung tích đạt 10,8 tỷ m3, tương đương lượng nước đủ cho 25 triệu người sử dụng trong một năm.
Đập của trạm thủy điện này có chiều cao 295m, khiến nó trở thành đập đất đá cao thứ ba trên thế giới. Đặc biệt, công trình này cũng có tháp lấy nước cao nhất thế giới, với độ cao 115m.
"Siêu" thủy điện Lưỡng Hà Khẩu có khả năng sản xuất tới 11 tỷ kWh điện mỗi năm, giúp giảm tiêu thụ 13,3 triệu tấn than và giảm phát thải 21,3 triệu tấn CO2 hàng năm, tương đương với việc khai thác bốn mỏ than với sản lượng 4 triệu tấn mỗi năm. Dự án này có vốn đầu tư khổng lồ, lên tới 66,5 tỷ nhân dân tệ (gần 229 nghìn tỷ đồng).
Khi đi vào hoạt động, Lưỡng Hà Khẩu không chỉ giúp cân bằng nguồn cung điện cho tỉnh Tứ Xuyên, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước và kiểm soát dòng chảy trung và hạ lưu sông Dương Tử. Công trình cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của Vành đai Kinh tế Sông Trường Giang và Vòng tròn Kinh tế Thành Đô - Trùng Khánh.
Nguồn: Global Times, Tân Hoa Xã, NSEnergyBusiness