Số nợ này khiến giá trị cổ phần của tỷ phú Masayoshi Son trong quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund 2 gần như không còn giá trị.
Tỷ phú Masayoshi Son. |
Được mệnh danh là “Bill Gates của Nhật Bản”, “Bố già công nghệ”, hay tỷ phú “liều ăn nhiều”, ông Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty Đầu tư công nghệ SoftBank từng là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản vào năm 2021. Ông nổi tiếng với triết lý đầu tư “liều ăn nhiều” với nhiều thương vụ đầu tư đình đám như mua lại 40% cổ phần Yahoo vào năm 1995 hay đầu tư 20 triệu USD cho Alibaba của Jack Ma.
Được dẫn dắt bởi tỷ phú Masayoshi Son, SoftBank đã phát triển thành một trong những nhà đầu tư công nghệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm vừa qua là một năm đầy biến động đối với SolfBank và Masayoshi Son.
Theo Bloomberg, cá nhân ông Masayoshi Son đang nợ công ty khoảng 5,2 tỷ USD vì thua lỗ gia tăng từ những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ. Số nợ này khiến cho giá trị cổ phần của ông Son trong quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund 2 gần như không còn giá trị.
Nợ SoftBank hơn 5 tỷ USD, cổ phần trong Vision Fund 2 gần như không còn giá trị
SoftBank cấp vốn cho Masayoshi Son để rót tiền vào các quỹ đầu tư công nghệ, và thời hạn để ông hoàn trả những khoản vay này cho công ty kéo dài rất nhiều năm.
Nếu các vụ đầu tư của Vision Fund 2 vào các công ty công nghệ có lãi, ông Son sẽ kiếm được một khoản lợi nhuận lớn mà không phải bỏ tiền cá nhân để đầu tư. Theo thỏa thuận, ông Son sẽ bỏ túi 1/3 lợi nhuận nếu đầu tư có lãi.
Tuy nhiên, nỗ lực của CEO Masayoshi Son đã vấp phải một loạt thất bại lớn khi các quỹ đầu tư của SoftBank, bao gồm Vision Fund 1 và Vision Fund 2, cũng như các khoản đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng cao, đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ chu kỳ tăng lãi suất trên toàn cầu, khiến các nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu mang tính rủi ro cao như cổ phiếu công nghệ.
Thua lỗ chồng chất đã khiến nợ của ông tại công ty tăng thêm hàng tỷ USD, cũng như mất hàng tỷ USD trong khối tài sản cá nhân. Hiện ông Son cũng đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng tỷ phú giàu nhất Nhật Bản của Forbes.
Giá trị cổ phần 17,25% của ông Son trong Vision Fund 2 (quỹ có quy mô 56 tỷ USD) đến cuối năm 2022 đã bị cuốn phăng gần như hoàn toàn.
Điều này trái ngược hoàn toàn với hồi cuối năm 2021, khi cổ phần của ông Son trong quỹ Vision Fund 2 lên tới 2,8 tỷ USD. Đây là thời điểm bùng nổ của nhiều startup, qua đó cho phép SoftBank bán ra cổ phiếu của một số công ty nổi bật trong danh mục đầu tư, chẳng hạn như WeWork và AutoStore.
SoftBank hiện chưa thu lại số tiền 2,8 tỷ USD mà ông Son mắc nợ liên quan đến cổ phần của ông trong Vision Fund 2. Thậm chí trong quý đầu tiên của ông Son liên quan đến quỹ này đã tăng lên khoảng 2,9 tỷ USD, khoản lỗ tại quỹ đầu tư ở Châu Mỹ Latinh tăng lên 463 triệu USD.
Tóm lại, nếu tính cả khoản lỗ 246,9 tỷ yen (1,8 tỷ USD) trong quỹ phòng hộ của tập đoàn SB Northstar, tổng số tiền mà ông Son nợ công ty là 5,2 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg.
Vị tỷ phú này còn khiến nhà đầu tư choáng váng với một “cú đánh” khác: Quỹ Vision Fund 2 của ông đã đầu tư 100 triệu USD vào sản tiền ảo FTX và khoản tiền này giờ trở thành vô giá trị sau khi công ty này phá sản vào đầu tháng 11 năm ngoái.
Không thể thoát lỗ dù cổ phiếu công nghệ phục hồi
Dù phục hồi trong vài tháng qua, giá cổ phiếu công nghệ nhìn chung vẫn thấp hơn so với một năm trước. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 đã giảm khoảng 11% trong năm tài chính của SoftBank.
Báo cáo của Softbank ghi nhận khoản lỗ ròng hằng năm lên tới 970 tỷ yen (7,2 tỷ USD) trên tổng doanh thu 6.570 tỷ yen trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2023. Một phần do các khoản lỗ lớn liên quan đến danh mục đầu tư Vision Fund của tập đoàn này.
Cụ thể, quỹ Vision Fund 1 và Vision Fund 2 ghi nhận khoản lỗ khổng lồ lên tới 4.300 tỷ yen (32 tỷ USD). Hãng tin Bloomberg đánh giá đây là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi được thành lập bởi Masayoshi Son vào năm 2017.
Tại cuộc họp báo ngày 11/5, Giám đốc tài chính SoftBank, ông Yoshimitsu Goto, đánh giá năm tài chính vừa qua là một năm "không ổn định" với những rủi ro địa chính trị và sự bất ổn của hệ thống tài chính mà lý do là sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ) và khủng hoảng tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ).
Mặc dù có được lợi nhuận từ đầu tư vào các công ty công nghệ có tiếng như Uber (Mỹ), tập đoàn Nhật Bản cho biết họ đã ghi nhận khoản lỗ ở các công ty khác do giá cổ phiếu sụt giảm, đơn cử công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime (Trung Quốc) và công ty thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe GoTo (Indonesia).
Trong năm qua, SoftBank cũng rút lui khỏi một số mảng đầu tư sinh lời nhất để huy động tiền mặt. SoftBank từng sở hữu 34% cổ phần của Alibaba nhưng công ty này đã bán hơn 7 tỷ USD cổ phiếu kể từ đầu năm 2023 tới nay thông qua các hợp đồng kỳ hạn trả trước. Năm ngoái, SoftBank cũng đã bán một lượng cổ phiếu kỷ lục của Tập đoàn Alibaba trị giá 29 tỷ USD.
SolfBank đã bán gần hết cổ phần tại Alibaba. |
Ngoài ra, Tập đoàn này đã bán cổ phần ở T-Mobile và bán nốt số cổ phần còn lại tại Uber vào tháng 8 năm ngoái.
Khoảng một năm trước, ông Son cho biết SoftBank sẽ chuyển sang chế độ “phòng thủ” trước những “cơn gió ngược”, hạn chế hoạt động đầu tư khi Quỹ Vision chỉ đạt được 25 giao dịch mới trong năm 2022.
Tìm cách tăng cường sức khỏe nguồn vốn của mình, SoftBank đã huy động được 35,46 tỷ USD thông qua các hợp đồng kỳ hạn trả trước sử dụng cổ phiếu của Alibaba trong năm tài chính vừa qua. Thêm 4,1 tỷ đô la đã được huy động thông qua các hợp đồng kỳ hạn cho khoảng thời gian sau ngày 1/4/2023.
Quỹ Vision nhấn mạnh rằng, họ nắm giữ cổ phần trong các công ty bao gồm Arm và ứng dụng TikTok, công ty mẹ của Bytedance, trị giá khoảng 37 tỷ đô la sẵn sàng niêm yết trong tương lai.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi đợt IPO của công ty bán dẫn Arm, thuộc sở hữu của SoftBank. Tháng trước, SoftBank đã trình hồ sơ niêm yết Arm tại Mỹ, với mục tiêu huy động từ 8 - 10 tỷ USD vào cuối năm nay. Arm đã công bố doanh thu 381.7 tỷ yên trong năm tài chính, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập trước thuế của công ty tăng 18% so với cùng kỳ lên 48.6 tỷ yên.