Sau khi mua cổ phần của các nền tảng truyền thông xã hội trong tháng 4/2022, Elon Musk đã đồng ý mua Twitter với giá 44 tỷ USD.
Trong lần chào mua ban đầu của mình, Musk nói sẽ không thay đổi mức giá 54,20 USD/cổ phiếu. Ông vẫn tuân theo lời hứa đó, thông báo giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt với chính xác số tiền đó. Mặc dù hồ sơ ban đầu của ông định giá lời đề nghị là 43 tỷ USD dựa trên cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Tuy nhiên, thông tin xác nhận vào hôm thứ 2 vừa rồi cho thấy Musk đã nâng con số đó lên 44 tỷ USD. Đây có thể là một sai sót về số lượng cổ phiếu đang được kiểm đếm, chứ không phải là bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với giá cả.
Về mặt huy động vốn, đây là một đợt mua lại có đòn bẩy tài chính khổng lồ. Như Musk tiết lộ vào tuần trước, ông đã huy động được 25,5 tỷ USD các khoản vay nợ đã cam kết đầy đủ và tài trợ khoản vay ký quỹ từ hàng chục ngân hàng để hỗ trợ giá thầu. Khi thương vụ hoàn tất, Twitter sẽ trở thành một công ty tư nhân.
Ai sẽ sở hữu Twitter? Twitter đã đồng ý bán mình cho một tổ chức do Musk sở hữu hoàn toàn. Hiện không có bất kỳ người "đồng đầu tư" nào được nêu tên trong tuyên bố.
Theo Bloomberg, Goldman Sachs Group Inc. và JPMorgan Chase & Co. đang làm việc với Twitter. Allen & Co. cũng tham gia theo tuyên bố hôm thứ hai. Về phía Musk, Bank of America Corp. và Barclays Plc đã xếp hàng tham gia thương vụ cùng với Morgan Stanley.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm thứ 2 không tiết lộ liệu một trong hai bên có đồng ý trả phí chấm dứt hợp đồng nếu giao dịch đổ vỡ hay không, nhưng Bloomberg News đưa tin rằng Musk sẽ chịu trách nhiệm 1 mình nếu thỏa thuận đổ vỡ hoặc nếu đơn phương từ bỏ. Phí phá vỡ đối với một thỏa thuận quy mô này có thể lên đến hàng tỷ USD.
Trước đó trong một hồ sơ gửi SEC, Musk tiết lộ rằng ông đã nhận được một số thư cam kết từ các ngân hàng để tài trợ cho việc thâu tóm Twitter theo đề xuất của ông. Nhưng, gánh nợ hàng chục tỷ USD sẽ tốn rất nhiều chi phí trả lãi hàng năm.
Trong khi Musk dự định huy động một nửa số tiền từ tiền mặt của bản thân, ông cũng có kế hoạch sử dụng hỗn hợp nợ và hạn mức tín dụng để huy động phần vốn còn lại cần thiết để mua mọi cổ phiếu Twitter đang lưu hành mà ông không sở hữu với giá 54,20 USD/cổ phiếu.
Theo hồ sơ, Musk đã nhận được thư cam kết từ các ngân hàng đề nghị cho vay 13 tỷ USD nếu mua Twitter, với sự kết hợp giữa các khoản vay ngân hàng có bảo đảm và trái phiếu. Ngoài ra, Musk đã nhận được một lá thư từ các ngân hàng đề nghị cho ông vay thêm 12,5 tỷ USD, khoản tiền này sẽ được đảm bảo bằng 62,5 tỷ USD cổ phiếu Tesla của ông, hoặc khoảng một phần ba cổ phần của ông.
Cuối cùng, hồ sơ cho biết Musk đã cam kết tài trợ cho việc tiếp quản bằng 21 tỷ USD tiền mặt của chính mình.
Dựa trên các khoản nợ khác nhau mà Musk sẽ huy động để tài trợ cho giao dịch, Matt Levine của Bloomberg tính toán rằng người giàu nhất thế giới sẽ phải trả khoảng 1 tỷ USD tiền lãi hàng năm. Ngoài ra, có nguy cơ là nếu giá cổ phiếu của Tesla giảm, Musk sẽ buộc phải bỏ thêm cổ phần của mình để làm tài sản thế chấp.
Do Musk ít quan tâm hơn đến lợi nhuận cơ bản của Twitter và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tự do ngôn luận và kiểm duyệt trên nền tảng này nên không rõ công ty sẽ hoạt động tài chính tốt như thế nào dưới quyền sở hữu của Musk. Bất kỳ sự sụt giảm nào trong lợi nhuận của Twitter có thể sẽ đồng nghĩa với việc Musk phải bỏ tiền túi cá nhân của mình để trả các khoản nợ lãi hàng năm.
Dẫu vậy, dựa theo tính cách điển hình của Musk, có thể ông không bận tâm đến mấy vấn đề này.