Elon Musk thắng lớn sau chuyến đi chớp nhoáng tới Trung Quốc
Chuyến thăm “đất nước tỷ dân” khá chóng vánh nhưng cũng là quá đủ để tỷ phú Mỹ Elon Musk đạt được mục tiêu vô cùng cần thiết với hãng xe điện số 1 thế giới.
Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk  của Tesla đã lên máy bay rời Bắc Kinh vào thứ Hai (29/4), sau chuyến thăm đáng chú ý chứng kiến công ty của ông giành được giấy phép bảo mật dữ liệu quan trọng từ chính quyền Trung Quốc.
Musk đã đến thủ đô Bắc Kinh vào Chủ nhật (28/4) trong chuyến đi thứ hai trong vòng chưa đầy một năm tới Trung Quốc. Tại đây, vị CEO 52 tuổi đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu của “đất nước tỷ dân”, trong đó có Thủ tướng Lý Cường, khi doanh nhân người Mỹ nỗ lực thúc đẩy tiềm năng phát triển của công ty mình tại thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.
Tỷ phú Elon Musk hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh ngày 28/4 |
Cùng ngày, các mẫu xe sản xuất trong nước của Tesla lọt vào danh sách các xe điện đáp ứng được những yêu cầu về bảo mật dữ liệu của Trung Quốc, xóa bỏ rào cản pháp lý quan trọng.
Elon Musk lên máy bay riêng của mình tại Sân bay Thủ đô Bắc Kinh ngay trước 13 giờ chiều (giờ địa phương), khi Utrip - ứng dụng theo dõi chuyến bay do Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn cho biết máy bay sẽ đến thành phố Anchorage (bang Alaksa, Mỹ).
Tesla - “gã khổng lồ ô tô điện của Mỹ” - dường như đang tiến gần hơn đến việc được Chính phủ chấp thuận sử dụng công nghệ hỗ trợ lái xe tại Trung Quốc bằng cách hợp tác với “gã khổng lồ công nghệ Baidu” về bản đồ và tính năng điều hướng.
Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các công ty trong nước của Trung Quốc như BYD, Tesla vẫn nằm trong số những mẫu xe điện bán chạy nhất ở đất nước Đông Á này. Nhưng trong lúc hãng xe điện lớn nhất thế giới vẫn đang cố gắng thúc đẩy doanh số bán hàng với các tính năng như "Tự lái hoàn toàn" (FSD), họ cũng cần phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt và luật riêng tư.
Máy bay chở CEO Tesla Elon Musk rời Trung Quốc ngày 29/4 (Ảnh: Reuters) |
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết họ đã thử nghiệm các phương tiện này từ tháng 11/2023 với Cơ quan Quản lý an ninh máy tính quốc gia thông qua việc thu thập và xử lý dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân và ghi lại khuôn mặt bên ngoài ô tô.
CAAM cho biết trong một tuyên bố: “Trong số đó, 76 mẫu xe của 6 công ty (BYD, Li Auto, Lotus, Hozon Auto, Tesla và NIO) đáp ứng 4 yêu cầu tuân thủ về bảo mật dữ liệu ô tô”. Model 3 và Model Y của Tesla, được sản xuất tại nhà máy khổng lồ ở Thượng Hải (Trung Quốc), đều nằm trong danh sách đó.
Các tính năng hỗ trợ lái xe tiên tiến của công ty không giúp ô tô của họ tự chủ hoàn toàn việc điều khiển khi tham gia giao thông, nhưng Tesla cho biết khả năng tự lái Autopilot và FSD của họ được sử dụng dưới sự giám sát của người lái xe. Những chiếc xe điện công nghệ FSD này được Tesla bán với giá 8.000 USD/chiếc ở Mỹ hoặc với mức phí đăng ký trả góp hàng tháng là 99 USD.
Tesla không trả lời ngay lập tức các câu hỏi của hãng tin AFP về FSD ở Trung Quốc và mối quan hệ hợp tác mà họ từng chia sẻ với công ty công nghệ đa quốc gia Baidu. Đáng chú ý, đầu tháng này, khi trả lời câu hỏi trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) của mình, Elon Musk cho biết FSD “có thể sẽ sớm có mặt” ở Trung Quốc.
>> Tesla rơi vào 'vũng lầy': Lỗi do Elon Musk 'cuồng ngôn'?