Eximbank (EIB) - "bộ 3 quyền lực" ngày đó, giờ ra sao?
Eximbank từng qua thời kỳ "hô mưa gọi gió", manh nha chiếm lĩnh thị trường tài chính một thời, giờ ra sao?
Những ngày gần đây trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB  liên tục tạo sóng. Tạm tính từ đầu năm 2023 đến nay EIB đã giảm khoảng 27%. Thanh khoản cũng có những phiên giao dịch đột biến.
Một trong những tác động lớn đến giá cổ phiếu EIB có lẽ đến từ những biến động nhân sự cấp cao. Tuy vậy, trong lịch sử hình thành hơn 30 năm, Eximbank  cũng là ngân hàng có nhiều biến động nhân sự, nhiều câu chuyện để kể nhất.
Một thời đỉnh cao
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiền thân là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vietnam Export Import Bank), thành lập vào ngày 24/05/1989, thời hạn hoạt động 50 năm với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng.
Eximbank lúc đó là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/1990, đến nay Eximbank đã có bề dày lịch sử hơn 30 năm.
Là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên, lại có lợi thế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Eximbank lúc đó còn nổi danh trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng, và là một trong những ngân hàng có thế lực lớn trên thị trường tài chính.
Báo cáo thường niên năm 2007 của Eximbank ghi nhận tổng tài sản, quy mô vốn... đều tăng vọt theo thông tin từ báo cáo thường niên. Đây cũng là giai đoanh Eximbank phát triển mạnh nhất, tổng tài sản từ mức 33.700 tỷ đồng cuối năm 2007, lên 183.567 tỷ đồng vào cuối năm 2011, tương ứng tăng gần gấp 5,5 lần chỉ trong vòng 5 năm.
Tài sản tăng, nợ nần cũng tăng theo, tổng nợ phải trả cuối 2007 hơn 27.400 tỷ đồng, tăng lên đến 167.264 tỷ đồng vào cuối năm 2011, chiếm hơn 91% tổng tài sản.
Năm 2009 Eximbank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trở thành cổ phiếu yêu thích của nhiều nhà đầu tư lúc đó.
Quy mô tài sản, vốn tăng mạnh, Eximbank cũng trình diễn kết quả kinh doanh ấn tượng, từ mức lãi sau thuế hơn 600 tỷ đồng năm 2007, đã vượt 4.000 tỷ đồng vào năm 2011. Đây cũng là năm Eximbank đạt kỷ lục về lợi nhuận trong suốt qủa trình hoạt động, cũng là năm quy mô tài sản đạt mức cao nhất.
Eximbank lúc đó cũng đang ở tư thế sẵn sàng bứt tốc, âm thầm vượt mặt những ngân hàng khác, dành vị thế trên thị trường tài chính.
Đi qua biến cố năm 2012
Năm 2012 là năm ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến rất nhiều biến cố, bắt đầu từ thông tin ông Nguyễn Đức Kiên - bầu Kiên - bị bắt tạm giam để điều tra các sai phạm trong hoạt động kinh tế.
Đây cũng là giai đoạn các ngân hàng TMCP chịu ảnh hưởng bởi một số chính sách chung. Ảnh hưởng lớn nhất với các ngân hàng TMCP thời gian đó là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng từ khách hàng. Đây là yếu tố chính dẫn tới những biến động lớn trên BCTC năm 2012 của Eximbank và rất nhiều ngân hàng cùng thời điểm.
Bên cạnh đó, theo thông tư 21/2012 của NHNN ban hành tháng 6/2012, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thực hiện các hoạt động gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại các tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàngh nước ngoài khác cũng góp phần ảnh hưởng lớn. Thời điểm đó, theo báo cáo, Eximbank có số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tại ngày 31/12/2012 là các khoản tiền gửi thực hiện trước khi thông tư 21 có hiệu lực, lên đến 389 tỷ đồng. Ngoài ra ngân hàng đang nắm giữ một số khoản tiền gửi đối ứng từ các tổ chức tín dụng này với số tiền hơn 473 tỷ đồng.
BCTC năm 2012 của Eximbank ghi nhận tổng giá trị tài sản là tiền mặt, vàng bạc, đá quý hơn 13.200 tỷ đồng, tăng hơn 5.900 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó có hơn 11.864 tỷ đồng là vàng, gấp đôi thời điểm đầu năm.
Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về vàng, về tiền gửi với các tổ chức tín dụng theo thông tư 21, kết quả kinh doanh của Eximbank tuột dốc không phanh. Lợi nhuận trước thuế năm 2024, 2015 giảm sâu xuống dưới 100 tỷ đồng từ mức đỉnh 4.000 tỷ đồng năm 2021.
Cuối năm 2014 vấn đề về vàng cũng đã cơ bản được giải quyết. Tổng tài sản liên quan tiền mặt, vàng bạc, đá quý còn 1.662 tỷ đồng so với con số hơn 13.200 tỷ đồng cuối năm 2012. Eximbank cũng phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng hơn 1.022 tỷ đồng năm 2014.
Gần chục năm chật vật phục hồi
Đi qua biến cố 2012, Eximbank có những năm lao đao khi 2014, 2015 lãi trước thuế chưa đến 100 tỷ đồng. Tuy vậy những năm sau đó ngân hàng đã bắt đầu ổn định.
Tổng tài sản tăng dần trở về đỉnh cũ năm 2011. Tuy vậy nợ phải trả cũng tăng nhanh hơn. Eximbank là một trong số ít ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản rất cao. Năm 2017-2019 tỷ lệ này đều trên 90%. Kết thúc quý 2/2023 tổng nợ phải trả lên tới hơn 168.879 tỷ đồng, chiếm đến 88,7% tổng tài sản.
Kết qủa kinh doanh dù ổn định với mức lãi quanh quanh 1.000 đến 1.300 tỷ đồng giai đoạn 5 năm từ 2017-2021, tuy vậy không có sự đột phá.
Điểm sáng về lợi nhuận rơi vào năm 2022 khi lợi nhuận trước thuế vượt 3.700 tỷ đồng. Tuy vậy 6 tháng đầu năm 2023 lãi trước thuế còn 1.405 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Vì đâu nên nỗi?
Từng “làm mưa làm gió” trên thị trường tài chính, vì sao không thể bứt phá?
Giai đoạn trước biến cố 2012 của ngành tài chính, Eximbank cùng các ngân hàng TMCP khác như Sacombank hay ACB được xem là bộ 3 quyền lực ngoài Big4 trong nhóm Ngân hàng Nhà nước.
Vấn đề chủ sở hữu
Một trong những đặc trưng của Eximbank qua nhiều thời kỳ là việc không có những ông chủ thực sự, không có cổ đông lớn đủ có quyền quyết mọi vấn đề. Do vậy tại Eximbank từ nhiều năm nay thường xuyên xuất hiện những sóng gió nội bộ.
Đây cũng là nguyên nhân khiến Eximbank là một trong số ít các ngân hàng liên tục thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất.
Vấn đề nhân sự
Báo cáo quản trị năm 2020 của Eximbank ghi nhận có rất nhiều thành viên HĐQT đã vắng mặt trong các buổi họp mà không có uỷ quyền. Một ví dụ như ông Đặng Anh Mai, vắng 24/26 buổi họp. Ông Đặng Anh Mai là Thành viên HĐQT Eximbank từ tháng 12/2015, và đến tháng 6/2018 được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT, tuy vậy tháng 7/2020 đã bị miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT.
Ông Hoàng Tuấn Khải, người được cử vào Hội đồng quản trị từ tháng 12/2015 cũng vắng mặt 16/26 phiên họp HĐQT năm 2020 mà không có ủy quyền.
Bà Lương Thị Cẩm Tú - cựu Chủ tịch HĐQT Eximbank |
Bà Lương Thị Cẩm Tú, người được bầu vào HĐQT từ tháng 4/2018, cũng có đến 17 phiên họp HĐQT trong năm 2020 và không có ủy quyền. Bà Lương Thị Cẩm Tú sau đó, tháng 2/2022 được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank thay ông Yasuhiro Saito.
Tuy vậy ngồi ghế nóng không lâu, cuối tháng 6/2023, sau hơn 1 năm, Eximbank đã thông qua quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của bà Lương Thị Cẩm Tú. Bà Đỗ Hà Phương lên thay.
Đáng chú ý, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, dưới thời bà Lương Thị Cẩm Tú, Eximbank lại vươn lên mạnh mẽ, với số lãi trước thuế 3.700 tỷ đồng - dần lấy lại vị thế xưa. Nửa đầu năm 2023 Eximbank cũng lãi trước thuế hơn 1.400 tỷ đồng – cao hơn rất nhiều so với số lãi hàng năm mà ngân hàng nhận được trong 9 năm liên tiếp trước thời bà Tú.
Liệu sóng gió đã qua?
Sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú  rời nhiệm, Eximbank đang hoạt động dưới sự điều hành của vị Chủ tịch mới trẻ tuổi Đỗ Hà Phương.
Bà Đỗ Hà Phương  sinh năm 1984, đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng. Bà tốt nghiệp Cử nhân Kế toán - Trường Đại học George Mason - Hoa Kỳ, Thạc sỹ Tài chính quốc tế - Trường Đại học Westminster - Anh Quốc.
Trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại Eximbank, bà Hà Phương đã kinh qua nhiều vị trí trong ngành tài chính.
Bà Hà Phương cũng là một trong số những lãnh đạo tiếp theo không sở hữu cổ phiếu EIB của Eximbank. Liệu profile "khủng" này có thể giúp Eximbank vươn lên?
Dưới thời tân chủ tịch Đỗ Hà Phương, Eximbank vẫn chưa hết sóng gió tạm tính đến hiện tại. Đỉnh điểm là việc Đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 18/9 vừa qua để bầu bổ sung thành viên HĐQT. Nội dung chính để bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT do có 2 thành viên đã nghỉ trước đó.
Tuy vậy ngay tại đại hội, một trong 3 nhân sự tự ứng cử đã xin rút khỏi danh sách ứng cử .
Cổ phiếu EIB trên thị trường vẫn tạo những "con sóng" theo những diễn biến bất thường của chính ngân hàng. Liệu sóng gió đã qua?