F88 đang gánh khoản nợ phải trả 3.000 tỷ đồng
Nửa đầu năm 2024, Kinh doanh F88 lãi 89 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2023 lỗ 528 tỷ.
CTCP Kinh doanh F88 vừa công bố báo cáo tài chính định kỳ cho giai đoạn từ ngày 1/1-30/6/2024.
Gánh nợ phải trả 3.000 tỷ đồng
Trong nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của F88 cho thấy sự biến động lớn. Năm 2023, F88  đã chịu khoản lỗ nặng nề hơn 528 tỷ đồng, con số lỗ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong giai đoạn từ 2019 đến 2021, F88 chỉ đạt mức lợi nhuận khiêm tốn, dưới 50 tỷ đồng mỗi năm. Còn năm 2022, công ty đạt mức lợi nhuận đột biến lên đến 212 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế những năm gần đây của F88 |
Tính đến cuối quý II/2024, tổng nợ phải trả của F88 lên đến xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu.
Đặc biệt, vào năm 2022, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đạt mức cao nhất, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu, với tổng nợ phải trả vượt 3.500 tỷ đồng.
Trong số các khoản nợ, F88 hiện đang có gần 600 tỷ đồng là nợ trái phiếu. Từ đầu năm 2024, doanh nghiệp đã phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 350 tỷ đồng, tất cả đều có kỳ hạn 1 năm và đáo hạn vào tháng 8/2025.
Tình hình nợ phải trả qua các năm của F88 |
>> Chuỗi cầm đồ F88 vừa phát hành thành công 2 lô trái phiếu 150 tỷ 
Những giao dịch thế chấp đặc biệt
Mặc dù F88 hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cho thuê tài chính và cầm đồ, doanh nghiệp này lại có những giao dịch thế chấp với các cá nhân rất đặc biệt. Ví dụ, trong tháng 1/2020, F88 đã thực hiện khoản vay trị giá 80 triệu đồng với cá nhân ông Phạm Văn Quân, tài sản thế chấp là chiếc ô ô Huyndai.
Thông thường, các doanh nghiệp ngoài huy động tiền qua kênh trái phiếu, vay cá nhân, thì những khoản vay có thế chấp tài sản thường là tại các ngân hàng. Tuy vậy F88 xuất hiện nhiều khoản vay với các cá nhân nhưng vẫn có giao dịch thế chấp tài sản được đăng ký.
Ngày 11/6/2022, F88 ghi nhận hàng loạt các khoản vay khác với những cá nhân như ông Nguyễn Xuân Nghĩa (tài sản đảm bảo là ô tô Tata TMT Super Ace), ông Võ Hồng Phúc (tài sản đảm bảo là ô tô Huyndai i10 Grand) và ông Ngô Thanh Lộc (ô tô Chevrolet Aveo AT) cùng nhiều cá nhân khác. Các khoản vay này chủ yếu được thế chấp bằng ô tô.
Trong số các giao dịch thế chấp của F88, đáng chú ý nhất có giao dịch với Lendable SPC - một tổ chức tài chính có địa chỉ tại Quần đảo Cayman. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là số dư 2 tài khoản tiền gửi tại ngân hàng Vietinbank CTG - chi nhánh 1 TP HCM.
>> Chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam ghi nhận lỗ 'khủng', 'giấc mơ' IPO sẽ đi về đâu? 
Lịch sử tăng vốn của F88
F88 được thành lập vào tháng 3/2015, do ông Phùng Anh Tuấn (sinh năm 1984) giữ chức Tổng Giám đốc, với vốn điều lệ ban đầu là 54,5 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm CTCP Đầu tư F88 (sở hữu 99,99%), ông Phùng Anh Tuấn và ông Ngô Quang Hưng.
F88 đã trải qua nhiều lần tăng vốn điều lệ, từ mức trên 153 tỷ đồng vào tháng 11/2017, lên hơn 211 tỷ đồng vào tháng 5/2019 và gần 407 tỷ đồng vào tháng 7/2020. Gần đây nhất, vào tháng 5/2023, F88 tăng vốn điều lệ từ 567 tỷ đồng lên hơn 1.673 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần.
Hiện có 2 pháp nhân liên quan đến ông Phùng Anh Tuấn đều có chữ F88 là CTCP Kinh doanh F88 và CTCP Đầu tư F88. Đầu tư F88 chính là công ty mẹ, sở hữu 99,99% vốn điều lệ của Kinh doanh F88.
Công ty mẹ Đầu tư F88 thành lập tháng 11/2015, ban đầu có vốn điều lệ hơn 31,5 tỷ đồng, trong đó cổ đông ngoại Skydom Pte.Ltd sở hữu 19,118%; và 4 cổ đông trong nước là ông Phùng Anh Tuấn (35,305%), ông Nguyễn Văn Tuyên (4,044%), ông Trần Mạnh Công (6,228% và Ngô Quang Hưng (35,305%).
Đầu tư F88 nhiều lần tăng vốn, cũng nhiều lần thay đổi cơ cấu cổ đông, trong đó thông tin đáng chú ý khi tháng 9/2017, toàn bộ 100% vốn cổ phần của các cổ đông cả trong và ngoài nước đều được uỷ quyền hết cho Skydom. Pte.Ltd.
Cập nhật mới nhất, cuối năm 2023, vốn điều lệ đạt 82,6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng đã có nhiều biến động, trong đó hiện diện trong danh sách là 5 cổ đông ngoại gồm: Skydom Pte.Ltd (31,316%); Bronze Blade limited (9,835%); Asia Investment Company S.À R.L (8,458%); Winter Flame Pte.Ltd (5,639%) và James Alan Barron (2,217%).
Ngoài vai trò tại F88, ông Phùng Anh Tuấn còn là người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Ffintech, Công ty TNHH G Hoding.
Ảnh: Một phòng giao dịch của F88 |
>> F88: Lỗ 2 tỷ/ngày dù doanh thu tăng vọt, vay tiếp 50 triệu USD từ nước ngoài 
Chuỗi 830 phòng giao dịch F88 đang hoạt động ra sao?
Mặc dù được giới thiệu trên website, hiện F88 hoạt động với hệ thống hơn 830 phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước và gần 5.000 nhân viên.
Hơn 1 năm trước, tháng 3/2023, trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Tiền Giang đưa thông tin từ buổi Hội nghị nghiệp vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm của Bộ Công an. Thông tin tại Hội nghị, cho thấy có nhiều vụ cưỡng đoạn tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng.
Tại Hội nghị, Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc công an TP HCM, cho biết, Công an thành phố đã triệt xoá 6 băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính như Công ty TNHH MTV Mirae Asset, Công ty Luật TNHH Power Law chi nhánh Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Tiếng nói hay, CTCP Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ và CTCP Đầu tư kinh doanh F88.
Riêng đối với Kinh doanh F88 chi nhánh TP HCM, cơ quan điều tra đã khởi tố 10 bị can là trưởng nhóm và nhân viên. Ngoài ra, công an TP HCM đã tổng kiểm tra hành chính, phát hiện 79 địa điểm kinh doanh (cửa hàng F88) có các lỗi vi phạm quy định về quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Trước đó, Công an TP HCM đã đã khám xét các nhiều chi nhánh của F88 để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Ngoài TP. HCM, nhiều địa điểm kinh doanh của F88 tại một số tỉnh thành khác cũng bị công an kiểm tra.
Chuỗi cầm đồ F88 báo lãi bình quân gần 500 triệu đồng mỗi ngày 
Chuỗi cầm đồ F88 vừa phát hành thành công 2 lô trái phiếu 150 tỷ