Trước khi bắt tay với Thế giới Di động (MWG), hồi đầu tháng 12/2021, F88 cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Quốc tế CIMB để cùng triển khai dịch vụ tài chính cho khách hàng tại Việt Nam.
Mới đây, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đã trở thành đối tác của CTCP Kinh Doanh F88 (chủ sở hữu chuỗi cầm đồ F88). Theo đó, 2 bên sẽ hợp tác để cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ thuộc 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh.
Cụ thể, khách hàng của F88 có thể đến các cửa hàng thuộc 2 chuỗi điện thoại và điện máy này của Thế giới Di động để vay tiền mà không cần mua hàng. Tuy nhiên, hiện tại, công ty chỉ giải ngân qua tài khoản ngân hàng nên khách vay cần có tài khoản ngân hàng mới vay được tiền mặt.
Theo thông báo, dịch vụ cho vay tiền mặt của F88 thực hiện tại các cửa hàng điện thoại và điện máy của công ty yêu cầu người vay phải có chứng minh thư hoặc căn cước công dân và cà vẹt xe đứng tên chính chủ khách vay.
Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng trong đó chi phí vay là 7,5%/tháng - tương đương 90%/năm, phí phạt tất toán sớm trước hạn của khoản vay là 5% số tiền gốc còn lại. Trong khi phí phạt quá hạn là 50.000 đồng/ngày quá hạn, tối đa không quá 150.000 đồng/kỳ quá hạn.
Trước đó, Thế giới Di động cũng đã triển khai dịch vụ tương tự là cho vay tiền mặt mà không cần mua hàng hợp tác với FE Credit. Dịch vụ này được triển khai từ ngày 28/9 áp dụng tại các cửa hàng tại một số tỉnh thành như TP. HCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh… Hạn mức của các khoản vay tiền mặt này là 10 - 70 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 36 tháng với lãi suất 2,33 - 4,58%/tháng, tương đương 28 - 55%/năm.
Trên thị trường, Thế giới Di động hiện là nhà bán lẻ điện thoại, điện máy và bách hóa lớn nhất cả nước với 4.871 cửa hàng tại Việt Nam và 50 cửa hàng tại Campuchia trong đó công ty này hiện quản lý và vận hành các chuỗi bán lẻ gồm Thegioididong.com; Điện Máy Xanh; Bách Hóa Xanh; TopZone; Nhà thuốc An Khang và Bluetronics (tại Campuchia).
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, MWG đã ghi nhận hơn 99.000 tỷ đồng doanh thu và 3.906 tỷ lợi nhuận ròng sau 10 tháng đầu năm nay. So với kế hoạch 125.000 tỷ doanh thu và 4.750 tỷ đồng lãi ròng cả năm nay, công ty đã hoàn thành lần lượt 79% và 82% chỉ tiêu.
Trong khi đó, F88 là chuỗi cầm đồ lớn nhất trong nước với khoảng 512 điểm giao dịch. Hiện phần lớn nguồn vốn kinh doanh của chuỗi đều được huy động thông qua kênh phát hành trái phiếu với lãi suất cao 12%/năm.
Cụ thể, báo cáo tài chính năm gần nhất của chuỗi cầm đồ này cho biết đến cuối năm 2020, F88 có vốn chủ sở hữu 434 tỷ đồng và nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ đồng trong đó riêng dư nợ trái phiếu là 842 tỷ đồng. Cũng trong năm này, chuỗi thu về 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng 170% so với năm 2019.
Từ đầu năm 2021 đến nay, chuỗi này đã 9 lần huy động vốn qua kênh trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị xấp xỉ 900 tỷ đồng trong đó các lô trái phiếu do F88 phát hành chủ yếu có kỳ hạn 18 tháng và lãi suất cố định 12 - 12,5%/năm.
Năm 2021, công ty dự kiến ghi nhận 1.619 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 816 tỷ đồng.
Đáng nói, trước khi bắt tay với MWG hồi giữa tháng 12/2021, F88 cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Quốc tế CIMB để cùng triển khai dịch vụ tài chính cho khách hàng tại Việt Nam.
Theo đó, hai đơn vị đặt ra mục tiêu cung cấp các sản phẩm cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi và dễ dàng tiếp cận để hỗ trợ tối đa các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn như người lao động có thu nhập thấp và tiểu thương buôn bán nhỏ.
F88 và CIMB sẽ cùng nhau kết hợp sự am hiểu thị trường cho vay tại Việt Nam với những tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất để cho ra mắt những sản phẩm sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt là những khách hàng không thỏa mãn các tiêu chí của các mô hình cho vay của ngân hàng, công ty tài chính tại Việt Nam.
Đối tượng khách hàng của họ cũng được mở rộng từ sinh viên, công nhân viên cho tới các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người (từ 15 tuổi trở lên) mất việc, giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tình trạng này càng khiến người lao động khó khăn hơn, khi không tiếp cận được các nguồn vay do không chứng minh được năng lực tài chính.
F88 được thành lập năm 2013 với mong muốn thay đổi cách tiếp cận tài chính bằng việc cung cấp dịch vụ nhanh chóng - dễ dàng - minh bạch. Startup này được sáng lập bởi doanh nhân Phùng Anh Tuấn cùng 2 người khác. Hiện doanh nhân này là CEO của F88.
Nhắc đến đội ngũ sáng lập F88, ông Tuấn tự hào cho biết “đội ngũ sáng lập của F88 ngày đầu có 3 người, 3 anh em mỗi người một mảng khác nhau nhưng cùng một mục tiêu, một tiếng nói và một suy nghĩ”.
CEO F88 từng cho biết họ đặt mục tiêu 2023 đạt 1.000 phòng giao dịch và trở thành công ty tỷ đô. Để thực hiện được việc mở rộng mạng lưới này, ông Tuấn cho biết F88 thực hiện 2 chiến lược. Thứ nhất là quy mô mở rộng mạng lưới phủ toàn quốc, thậm chí xuống xã huyện, tiếp cận 50 triệu người không có tài khoản ngân hàng và không có khả năng tiếp cận được dịch vụ tài chính. Thứ hai là đầu tư rất nhiều cho công nghệ thông tin để mở rộng vay online.
Chủ tịch Thế Giới Di Động (MWG) đăng ký bán ra lượng cổ phiếu kỷ lục 
Thế Giới Di Động (MWG) giải thể 2 công ty con sau 2 năm thành lập