Fed hạ lãi suất: Cơ hội nào cho Việt Nam?
Ngoài các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ Covid-19, lần cuối cùng Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sau nhiều tháng chờ đợi, cuộc tranh luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã đi vào hồi kết. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed nhất trí giảm lãi suất 50 điểm, đưa lãi suất tại Mỹ về khoảng 4,75-5%.
Fed chính thức hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ 2020
Ngoài các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ Covid, lần cuối cùng Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù việc giảm lãi suất 50 điểm đã được một số nhà đầu tư dự đoán trước, nhưng quyết định này vẫn gây bất ngờ khi hiện không có dấu hiệu suy thoái hay khủng hoảng tài chính xảy ra.
Tính đến ngày 12/9, phần lớn thị trường vẫn nghiêng về khả năng giảm 25 điểm , nhưng chỉ trong vài ngày, xác suất cho kịch bản giảm 50 điểm đã tăng vọt từ 15% lên 67%. Thị trường đã có những phiên biến động mạnh và thiếu chắc chắn trước cuộc họp tháng 9 của Fed.
Ngoài quyết định giảm lãi suất, thông qua biểu đồ Dot Plot, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) còn phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục giảm thêm 50 điểm vào cuối năm nay. Năm 2025, các quan chức Fed dự kiến sẽ thực hiện tổng cộng các đợt giảm lãi suất lên tới 1% và vào năm 2026 sẽ có thêm 0,5% lãi suất cắt giảm nữa.
Kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách là lãi suất chuẩn sẽ kết thúc năm 2025 trong khoảng 3,25-3,5% và đến cuối năm 2026 sẽ giảm xuống dưới 3%, đều thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đó của Fed trong cuộc họp tháng 6 khi nền kinh tế vẫn còn mạnh mẽ.
Lãi suất của Fed (Dữ liệu tính đến 19/9/2024) - (Nguồn: PHS) |
Sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Fed đã tái định hình các dự báo về tăng trưởng kinh tế và triển vọng tài chính trong tương lai. Trong báo cáo mới nhất, Fed nhấn mạnh rằng, lạm phát đang trên đà giảm dần về mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, sự giảm nhanh của lạm phát đi kèm với cái giá phải trả là tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ chậm lại. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 4,4% vào cuối năm.
Theo đó, Fed thể hiện kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt, tạo điều kiện cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ khi các điều kiện kinh tế ổn định hơn. Tuy nhiên, Fed cũng lưu ý rằng con đường phía trước sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào các dữ liệu kinh tế thực tế.
Việt Nam 'được nhiều hơn mất'?
Báo cáo Chứng khoán PHS phát hành mới đây cho biết, việc Fed giảm lãi suất đã mang lại sự tự tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.
Trong nửa đầu năm, mặc dù NHNN vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách giữ lãi suất ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế nhưng quá trình này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch lãi suất USD-VND liên tục duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn lên tỷ giá, buộc Chính phủ và NHNN phải thận trọng trong việc triển khai các chính sách của mình, thậm chí phải nâng lãi suất OMO để can thiệp.
Chuyên gia PHS cho rằng, quyết định cắt giảm 50 điểm không phải là một động thái nới lỏng quá mức của Fed xuất phát từ lo ngại về suy thoái. Vì trên thực tế, Fed vẫn đang tiếp tục duy trì chương trình "thắt chặt định lượng" của mình trong kỳ họp tháng 9/2024.
Hiện tại, bảng cân đối kế toán của Fed đã giảm xuống còn 7,200 tỷ USD, giảm khoảng 1,700 tỷ USD so với mức đỉnh. Do đó, việc giảm lãi suất 50 bps được xem như là một bước đi của Fed nhằm đưa lãi suất về mức "trung lập" để duy trì sự ổn định của thị trường lao động trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát. Mục tiêu này hướng tới một nền kinh tế hạ cánh mềm, không phải là một dấu hiệu ám chỉ cho sự suy thoái.
Chứng khoán PHS nhận định rằng, việc Fed hạ lãi suất mang lại cho Việt Nam “được nhiều hơn mất”.
Về hoạt động xuất khẩu, việc lãi suất USD giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn, góp phần duy trì thu nhập và mức tiêu dùng của người dân Mỹ. Điều này sẽ là yếu tố tiên quyết tiếp tục hỗ trợ đà hồi phục trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường lớn nhất này.
Hơn nữa, quyết định hạ lãi suất của Fed còn mở đường cho các Ngân hàng Trung ương khác trên toàn cầu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, từ đó cũng thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và gia tăng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ.
Về hoạt động đầu tư, việc giảm lãi suất USD cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư cũng như gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam.
Giảm áp lực tỷ giá & chi phí vốn ngoại tệ, đồng USD toàn cầu hạ nhiệt cũng giảm bớt áp lực lên đồng VND. Điều này sẽ giúp các chi phí lãi vay các khoản nợ bằng USD của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp trong nước giảm xuống. Bên cạnh đó, đồng USD giảm giá cũng giúp kiềm chế áp lực lạm phát do tỷ giá gây ra khi Việt Nam nhập khẩu nhiều các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và các mặt hàng phục vụ cho sản xuất như nguyên vật liệu chế biến chế tạo.
Dư địa cho NHNN thực hiện chính sách nới lỏng, việc Fed giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện cho NHNN có thêm dư địa trong việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong thời gian tới, tập trung thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tăng trưởng tín dụng, chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu đầu tư.
Đối với thị trường chứng khoán, việc Fed hạ lãi suất sẽ giúp thu hút vốn đầu tư quay trở lại vào các thị trường đang phát triển như Việt Nam khi chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước giảm đi. Thêm vào đó, tác động gián tiếp của việc Fed cắt giảm lãi suất đến các hành động điều hành chính sách của NHNN và Chính phủ cũng sẽ khiến cho sức mạnh nội tại của nền kinh tế trong nước tốt hơn, giúp cho các doanh nghiệp hồi phục nhanh chóng hơn và ghi nhận được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong dài hạn.