Giới chức Fed cho rằng cần phải tăng lãi suất cao hơn nữa để hạ gục lạm phát.
Việc Fed vừa quyết định giữ nguyên mức lãi suất, chấm dứt chuỗi tăng 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022, được giới chuyên gia kinh tế xem là “khoảng dừng” cần thiết để ngân hàng này đánh giá, xem xét tác động của chính sách lãi suất đối với hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung.
Thế nhưng, khi quyết định này vừa mới kịp ráo mực, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nhanh chóng phát đi một thông điệp thống nhất và rõ ràng rằng còn phải tiếp tục tăng lãi.
Vẫn còn 2 đợt tăng lãi nữa trong năm 2023?
Tuần trước, Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, đều phát biểu rằng việc tăng lãi suất bổ sung là cần thiết để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% đã đề ra.
Cụ thể, ông Christopher Waller cho rằng, “thị trường lao động vẫn mạnh, nhưng lạm phát lõi không giảm mấy, do đó có lẽ cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để kéo lạm phát lõi xuống”.
Thống đốc Fed Christopher Waller. |
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond cũng đồng tình với quan điểm này, lưu ý rằng lạm phát vẫn “quá cao” và “dai dẳng một cách khó chịu”.
“Tôi muốn nhắc lại rằng đưa lạm phát về mức 2% là mục tiêu của chúng tôi và tôi vẫn đang cố tin câu chuyện nhu cầu chậm lại sẽ nhanh chóng kéo lạm phát về ngưỡng mục tiêu”, ông Barkin bày tỏ.
“Nếu dữ liệu sắp tới không hỗ trợ hướng đi đó, tôi nghĩ Fed nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa”, vị quan chức cho hay.
Dự báo kinh tế mới nhất của Fed cho thấy hầu hết các quan chức ước tính rằng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ đạt đỉnh trong khoảng 5,63-5,87% trong năm 2023. Mức lãi suất dự báo này đồng nghĩa với khả năng có thêm hai đợt tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm.
Trong khi nền kinh tế đã tạo thêm việc làm với tốc độ gây bất ngờ trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) tháng 5 lại cho thấy lạm phát toàn phần tại Mỹ đã chậm lại, nhưng lạm phát lõi vẫn đi lên một cách đáng ngại.
Do đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond cảnh báo rằng việc nới lỏng chính sách quá sớm sẽ là một sai lầm đắt giá.
“Tôi nghĩ nới lỏng chính sách sớm sẽ gây nguy cơ suy thoái nghiêm trọng hơn. Kinh nghiệm của những năm 1970 cho cho thấy một bài học đáng giá: nếu từ bỏ việc chống lạm phát quá sớm, lạm phát sẽ quay trở lại mạnh hơn, buộc Fed phải hành động mạnh tay hơn, thậm chí còn gây ra nhiều thiệt hại hơn. Đó là rủi ro mà tôi không muốn gánh”, vị quan chức Fed bày tỏ quan điểm.
Căng thẳng ngân hàng không ảnh hưởng đến lập trường của Fed
Theo Thống đốc Fed Christopher Waller, ngay cả khi có những căng thẳng kéo dài trong hệ thống ngân hàng khu vực, chiến lược lãi suất của Fed nên được duy trì vững chắc bởi cơ quan này đã có các công cụ để giải quyết các bất ổn tài chính.
“Công việc của Fed là sử dụng chính sách tiền tệ để hoàn thành nhiệm vụ của mình, và ngay bây giờ, điều đó có nghĩa là tăng lãi suất để chống lạm phát. Trong khi đó, nhiệm vụ của các sếp ngân hàng là đối phó với rủi ro lãi suất. Tôi không ủng hộ việc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ chỉ vì lo ngại chuyện quản lý kém hiệu quả tại một số ngân hàng”, ông Waller phát biểu.
Chia sẻ với CNN, ông Michael Gapen, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu BofA Global Research cho rằng, các ngân hàng khu vực của Mỹ hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như khả năng sinh lời thấp, chi phí vốn cao hơn, các vấn đề về bất động sản thương mại, quy chế giám sát mới, và vấn đề về đáo hạn trái phiếu kho bạc Mỹ.
Căng thẳng trong hệ thống ngân hàng khu vực vào thời điểm hiện tại “sẽ không trở nên tồi tệ hơn nhưng có lẽ cũng không khá hơn nhiều”, thể hiện qua việc quy mô cho vay khẩn cấp của Fed chỉ giảm nhẹ chứ không giảm nhiều, ông Gapen nói thêm.
Giá xăng dầu hôm nay 11/1: cao nhất trong 3 tháng 
Giá cà phê hôm nay 11/1/2025: 2 nguyên nhân đẩy cà phê 2 sàn trái chiều