FiinGroup: Ngành ngân hàng có thể chịu áp lực trong 1 đến 2 quý tới
Bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng, ảnh hưởng tới 25,81% GDP và hàng loạt ngân hàng lớn, tạo áp lực lớn lên khả năng trả nợ và vay vốn của doanh nghiệp.
Ngày 2/10, FiinGroup công bố báo cáo phân tích về "Tác động của bão Yagi lên nền kinh tế Việt Nam", nêu rõ thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới các ngành nghề chính và triển vọng phục hồi.
Theo số liệu, các tỉnh bị bão tác động đóng góp 25,81% GDP cả nước, với 111 khu công nghiệp và 4.760 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin, sản xuất, xây dựng, và du lịch.
Thiệt hại do bão Yagi ước tính lên tới 40.000 tỷ đồng, kéo theo những ảnh hưởng lâu dài đến nhiều ngành khác nhau.
Các tỉnh và các ngành công nghiệp chủ chốt bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, nguồn: FiinGroup |
>> Ngân hàng Nhà nước dự thảo chính sách cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng sau bão Yagi 
Bão Yagi làm trầm trọng thêm các vấn đề về trả nợ
Bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay.
Các ngân hàng lớn như VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), và Agribank được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn các tổ chức tài chính khác.
Tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão lên đến 100.000 tỷ đồng, tác động đến 85.000 khách hàng. Đặc biệt, các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề có tổng dư nợ vay ngắn hạn khoảng 3.952 tỷ đồng, chiếm 37,49% tổng nợ ngắn hạn của cả nước.
Việc gián đoạn kinh doanh tại các khu vực này đã làm suy giảm chất lượng tín dụng, gây khó khăn trong việc thanh toán nợ. Nhiều ngân hàng đã nhanh chóng giảm lãi suất từ 0,5% đến 2% cho cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhằm hỗ trợ họ phục hồi kinh tế.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ bổ sung, bao gồm gia hạn thời hạn vay, hoãn thanh toán lãi suất và tái cấu trúc các khoản vay.
Tuy nhiên, tác động của những chương trình này lên thu nhập từ lãi suất và lợi nhuận ngân hàng được dự báo sẽ không quá lớn. Mặc dù biên lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể chịu áp lực trong 1,2 quý tới, mức giảm dự kiến chỉ khoảng 1%, và không ảnh hưởng đáng kể đến toàn ngành.
Theo FiinGroup, khi nền kinh tế phục hồi sau bão, nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nhờ dòng tiền đầu tư và sản xuất hồi phục.
MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024
Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 được dự báo tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 19,5% của quý II/2024.
Các yếu tố như thu nhập ngoài lãi, hoạt động ngoại hối và chứng khoán chưa có tín hiệu khởi sắc, dẫn đến bức tranh toàn ngành vẫn còn nhiều thách thức.
MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024, nguồn: MBS |
Tuy nhiên, một số ngân hàng được dự đoán có mức tăng trưởng ấn tượng, gồm HDB (+44%), TPB (+35%) nhờ tín dụng tăng mạnh; EIB (+70%) và CTG (+40%) nhờ mức nền thấp cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, VIB dự kiến lợi nhuận giảm 12% do gia tăng chi phí dự phòng nợ xấu, trong khi OCB lợi nhuận giảm 20% do suy giảm biên lãi thuần (NIM) khi phải hạ lãi suất để thu hút tiền gửi.
>> VCBS: Áp lực nợ xấu do ảnh hưởng của bão Yagi không quá lớn 
Ngân hàng Nhà nước dự thảo chính sách cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng sau bão Yagi 
VCBS: Áp lực nợ xấu do ảnh hưởng của bão Yagi không quá lớn