Formosa Hà Tĩnh lỗ liên tiếp tới 900 triệu USD, ngành thép đã thoát đáy?
Tổng cộng trong 2 năm vừa qua, số lỗ của Formosa Hà Tĩnh đã gần ngang bằng mức lãi lớn trong năm thuận lợi bậc nhất của ngành thép 2021. Tuy nhiên, triển vọng nhiều doanh nghiệp thép trong nước đang có tín hiệu tích cực.
Hai năm bi đát của ngành thép
Báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn nhựa Formosa (Formosa Plastics Group) vừa công bố cho thấy, công ty con tại Việt Nam là Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh ) lỗ 20,1 tỷ Đài tệ (khoảng 615 triệu USD).
Formosa Hà Tĩnh lỗ cho dù doanh thu trong năm 2023 chỉ giảm nhẹ 3,2%.
Giải thích nguyên nhân lỗ nặng trong năm 2023, Formosa cho biết, Thép Formosa Hà Tĩnh đã phải giảm giá để cạnh tranh trong khi đó giá nguyên liệu thô đầu vào không giảm đáng kể.
Trong năm 2022, Formosa Hà Tĩnh cũng lỗ 10 tỷ Đài tệ. Như vậy, trong 2 năm qua, Thép Formosa Hà Tĩnh đã lỗ tổng cộng hơn 30 tỷ Đài tệ (khoảng 900 triệu USD). Trong năm 2021, Formosa Hà Tĩnh lãi 33 tỷ Đài tệ (hơn 1 tỷ USD).
Tổng cộng trong 2 năm vừa qua, số lỗ của Formosa Hà Tĩnh đã gần ngang bằng so với mức lãi lớn trong năm thuận lợi bậc nhất của ngành thép 2021.
Việc thép Formosa Hà Tĩnh thua lỗ đã ảnh hưởng trực tiếp tới tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh bởi đây là doanh nghiệp có vốn FDI lớn nhất đầu tư vào tỉnh này. Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh từ năm 2008 và hiện có vốn điều lệ 5,5 tỷ USD, tổng vốn đầu tư gần 12,8 tỷ USD.
Trong năm 2023, Hà Tĩnh ghi nhận thu ngân sách giảm so với năm 2022. Trong nửa đầu năm 2024, thu ngân sách của Hà Tĩnh từ khu vực FDI thấp, chủ yếu do thu thuế từ Formosa giảm.
Trong kỳ, có khoảng thời gian Formosa Hà Tĩnh đại tu sửa dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, thép nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp thép trong nước.
Trên thực tế, không chỉ Formosa Hà Tĩnh mà hầu hết các doanh nghiệp ngành thép tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn trong năm 2022-2023 do sức cầu thép toàn cầu suy giảm, đặc biệt tại Trung Quốc.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc chứng kiến thị trường bất động sản trầm lắng, tiêu thụ thép sụt giảm. Nhiều tập đoàn thép tại quốc gia này hạ giá mạnh mặt hàng thép, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường khác, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2022, phần lớn các doanh nghiệp thép tại Việt Nam gặp khó khăn. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long thua lỗ kỷ lục trong nửa cuối năm với mức lỗ gần 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022 và lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Hàng loạt các doanh nghiệp thép khác cũng thua lỗ lớn kéo dài.
Sang đầu năm 2023, tình hình vẫn khá bi đát, Hòa Phát chỉ lãi 383 tỷ đồng trong quý I, thấp hơn rất nhiều so với mức lãi 7-10.000 tỷ đồng/quý trong năm 2021. Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trở lại từ quý III/2023.
Cũng kể từ quý III/2023, Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ cũng ghi nhận mức lãi khá ấn tượng. Dù vậy, số lượng doanh nghiệp lỗ nhiều hơn số doanh nghiệp lãi. Các doanh nghiệp lỗ như: CTCP Thép Vicasa – VNSteel (VCA), Thép Thủ Đức (TDS), Thép Nhà Bè (TNB), Gang thép Thái Nguyên (TIS), Kim khí HCM, Tổng CTCP Thép Việt Nam (TVN), Đầu tư Thương mại SMC, Gang thép Cao Bằng (CBI) …
Trên thực tế, ngay cả Hòa Phát dù báo lãi quý III/2023 tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận 9 tháng vẫn ở vùng đáy 8 năm.
Tính cả trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp thép thua lỗ nặng. Tượng đài ngành thép CTCP Gang Thép Thái Nguyên - Tisco (TIS) lỗ gần 200 tỷ đồng trong năm 2023, cao nhất lịch sử hoạt động.
Trong quý I/2024, tình hình đã khởi sắc trở lại đối với ngành thép nhưng niềm vui không dành cho tất cả. Pomina (POM) còn chìm trong khủng hoảng, với khoản lỗ 225 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, đánh dấu 8 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp. TVN, TDS, VCA ghi nhận lãi giảm mạnh…
Triển vọng ngành thép ra sao?
Trong quý I/2024, các doanh nghiệp thép trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là sức cầu thép yếu trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, đầu tư công đạt mức thấp. Thép giá rẻ từ Trung Quốc đổ mạnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó còn là tỷ giá lên cao…
Dù vậy, trong quý I/2024, tình hình đã bớt bi đát hơn so với 2 năm trước đó. Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen… đã có những tín hiệu tích cực. HPG lãi gần 2.900 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ.
Gần đây, cổ phiếu ngành thép đồng loạt tăng mạnh sau khi Việt Nam có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép mạ (còn được gọi là tôn mạ) đến từ nước ngoài.
Cụ thể, ngày 14/6, Bộ Công Thương có quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, theo hồ sơ yêu cầu của 5 công ty: CTCP tập đoàn Hoa Sen; CTCP Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; CTCP Tôn Đông Á và CTCP China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc. Trước đó, HPG và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có yêu cầu điều tra.
Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này. Đến năm 2023, các doanh nghiệp thép tiếp tục nộp hồ sơ để kiến nghị khởi xướng điều tra.
Theo Chủ tịch HPG Trần Đình Long, việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. HPG hiện là sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn. Quy mô thép của HPG sẽ còn gia tăng trong các năm tới khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động.
Tại Việt Nam, thép nhập khẩu chiếm thị phần lớn lớn hơn thép sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước gặp khó khi thép nhập khẩu có giá thấp.