"Miếng bánh" thị phần tiêu thụ thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam của 2 ông lớn Hòa Phát (HPG) và Formosa đang bị thép nhập khẩu “nuốt” mất phần lớn.
Ngày 19/3, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ) và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra, Cục Phòng vệ thương mại đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.
Thép HRC là sản phẩm đầu ra của Hòa Phát và Formosa nhưng là sản phẩm nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã nhận được ý kiến của tập thể 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG ), Thép TVP, Tôn Đông Á (UPCoM: GDA ), Thép Nam Kim (HoSE: NKG ), Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Thép Vina One, Thép Việt Nhật và Kim khí Nam Hưng đồng thuận gửi công văn đến các cơ quan liên quan để phản biện trước khả năng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu.
Được biết, hiện tại, nhu cầu thép cán nóng HRC trong nước là khoảng 10 - 11 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất trong nước là 8,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, với thực trạng thép cán nóng ồ ạt nhập về Việt Nam, thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất thép HRC trong nước giảm mạnh từ 46% năm 2021 xuống mức gần 30% vào 2023. Trong khi đó, thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng từ 32,4% vào năm 2021 lên 45,8% năm 2023. Rõ ràng, "miếng bánh" thị phần tiêu thụ thép cán nóng tại Việt Nam đang bị thép nhập khẩu “nuốt” mất phần lớn.
Theo Bộ Công Thương, các quy trình tiếp theo liên quan đến vụ việc gồm:
Sau khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước nộp bổ sung thông tin, hồ sơ theo yêu cầu, Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét hồ sơ căn cứ trên các quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Trường hợp hồ sơ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện và nộp tới Cục Phòng vệ thương mại.
Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, Cục Phòng vệ thương mại sẽ có 45 ngày để thẩm định chi tiết nội dung hồ sơ về các cáo buộc liên quan đến hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả để làm cơ sở quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc. Trong quá trình thẩm định, Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và khách quan các thông tin theo đúng quy định của pháp luật.