9 công ty (Hoa Sen, Nam Kim, Pomina,...) đồng loạt bảo vệ thép Trung Quốc ngay sau khi Hòa Phát, Formosa gửi 'chiến thư'

31-03-2024 17:55|Hải Băng

Hòa Phát, Formosa gần đây đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc, đây là nguyên liệu đầu vào của nhóm các công ty sản xuất tôn mạ, ống thép như Nam Kim, Hoa Sen,...

Mới đây, 2 doanh nghiệp (DN) sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu tăng đột biến cũng như giá thép cán nóng từ Trung Quốc giảm mạnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn HRC với giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng nhập khẩu.

Từ quý I/2023 đến nay, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520 - 560 USD/tấn tùy loại. Hoà Phát và Formosa Hà Tĩnh cho rằng, việc giá thép nhập khẩu giảm có thể gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu.

9 công ty (Hoa Sen, Nam Kim, Pomina,...) đồng loạt bảo vệ thép Trung Quốc ngay sau khi Hòa Phát, Formosa gửi 'chiến thư'
Thép HRC là sản phầm đầu ra của Hòa Phát, Formosa nhưng là nguyên liệu đầu vào của nhóm doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép

Ngay lập tức, tập thể 9 DN tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), Thép TVP, Tôn Đông Á (UPCoM: GDA), Thép Nam Kim (HoSE: NKG), Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Thép Vina One, Thép Việt Nhật và Kim khí Nam Hưng đồng thuận gửi công văn đến các cơ quan liên quan để phản biện trước khả năng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu.

Theo nhóm các DN sản xuất tôn mạ, ống thép, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 - 13 triệu tấn/năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sản lượng nội địa chỉ khoảng 8 triệu tấn/năm. Giả định Hòa Phát và Formosa chạy tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không bán xuất khẩu thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng công suất của Hoà Phát đã đạt gần đỉnh là 97% trong năm 2023 và Formosa đạt hiệu quả sử dụng công suất khá tốt là 73% trong năm 2023. Như vậy, cung HRC trong nước hiện đang không thể đáp ứng đủ nhu cầu, buộc các DN Việt Nam phải nhập khẩu. Ngoài ra, nhóm DN này cho rằng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không bán phá giá.

Bộ Công Thương lên tiếng

9 công ty (Hoa Sen, Nam Kim, Pomina,...) đồng loạt bảo vệ thép Trung Quốc ngay sau khi Hòa Phát, Formosa gửi 'chiến thư'
Buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Công Thương

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 29/3, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu, Cục cũng sẽ tính đến thiệt hại đối với các DN tôn mạ, ống thép. Hiện tại, Cục đang trong quá trình xem xét hồ sơ do các bên liên quan cung cấp.

Theo quy trình, khi nhận thấy có dấu hiệu hành vi phá giá từ hàng hoá nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp có quyền nộp hồ sơ yêu cầu chống bán phá giá. Sau đó, Cục sẽ thẩm định tính hợp lệ của bộ hồ sơ. Quá trình này kéo dài 15 ngày. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thông báo các doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung. Nếu hồ sơ hợp lệ, trong vòng 45 ngày, căn cứ vào kiến nghị của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ quyết định việc điều tra hay không điều tra. Thời hạn điều tra sẽ kéo dài 12 - 18 tháng.

Trong thời gian đó, Cục Phòng vệ thương mại sẽ yêu cầu các bên liên quan cung cấp chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan. Từ đó, cơ quan này đưa ra kiến nghị và Bộ Công Thương sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp thuế hay không và mức thuế là bao nhiêu. Kể cả khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép nhập khẩu.

"Trong quá trình điều tra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét tất cả yếu tố khách quan, trên cơ sở đó sẽ có kiến nghị. Thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì, chúng tôi sẽ cân nhắc trong quá trình điều tra", ông Trung cho biết.

>> 'Tuyên chiến' với thép Trung Quốc, lãnh đạo Hòa Phát (HPG) thông tin quan trọng về biên lợi nhuận gộp dự kiến

Hòa Bình (HBC): Vốn chủ sở hữu kiểm toán 2023 chỉ bằng 1/60 lần số liệu tự lập

Nhận định chứng khoán 1-5/4: Khả năng thị trường điều chỉnh cần được tính đến

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/9-cong-ty-hoa-sen-nam-kim-pomina-dong-loat-bao-ve-thep-trung-quoc-ngay-sau-khi-hoa-phat-formosa-gui-chien-thu-228588.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    9 công ty (Hoa Sen, Nam Kim, Pomina,...) đồng loạt bảo vệ thép Trung Quốc ngay sau khi Hòa Phát, Formosa gửi 'chiến thư'
    POWERED BY ONECMS & INTECH