Doanh nghiệp

FPT rót 200 triệu USD mở dịch vụ đám mây và AI tại Nhật Bản

Du Lam 20/08/2024 19:14

Trả lời Nikkei, ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc FPT Software – cho biết, FPT sẽ đầu tư 200 triệu USD mở rộng hoạt động tại Nhật Bản, cung cấp dịch vụ đám mây và AI phục vụ chuyển đổi số.

Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei tại Tokyo (Nhật Bản), ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ, FPT Software sẽ không chỉ cung ứng nguồn nhân lực mà cả hạ tầng điện toán GPU để tạo ra các giải pháp AI tiên tiến cho thị trường Nhật Bản.

“AI là một trong những động lực tăng trưởng của chúng tôi”, ông Tuấn cho hay.

Hồi tháng 4, FPT thông báo quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhà sản xuất bán dẫn Nvidia. Việc khởi động các dịch vụ mới tại Nhật Bản phù hợp với việc bắt tay giữa hai công ty.

Số tiền 200 triệu USD đầu tư sẽ được giải ngân vào cuối năm 2025. Ngoài ra, FPT cũng dự định tăng nhân sự tại Nhật Bản từ 3.500 lên 5.000 vào năm 2025.

49hxim55.png
Văn phòng mới của FPT Japan tại Mita, Tokyo. Ảnh: Nikkei

Mục tiêu chính của các dịch vụ AI của FPT là chuyển đổi số các tổ chức tài chính tại đất nước mặt trời mọc. Ông Tuấn giải thích lý do ra mắt dịch vụ mới: “Họ có rất nhiều dữ liệu. Làm thế nào để kiếm tiền từ dữ liệu đó và tạo ra giá trị mới thông qua khai thác dữ liệu là điều quan trọng. AI và các công nghệ mới nhất với mô hình ngôn ngữ lớn hoặc mô hình tầm nhìn lớn có thể hỗ trợ khách hàng nhận ra giấc mơ của họ nhưng đòi hỏi nguồn điện toán lớn”.

Cuối tháng 7, FPT Japan đã khai trương văn phòng mới tại Mita, Tokyo. Ông Tuấn chia sẻ, tính đến tháng 3, FPT Japan tuyển dụng 3.500 nhân sự và rất nhanh sẽ cán mốc 4.000 nhân viên. Nếu tăng trưởng 40% như các năm trước, họ sẽ có 5.000 lao động trong năm sau. Dữ liệu mới nhất cho thấy, 63% nhân viên FPT Japan là người Việt và 31% là người Nhật.

Năm 2023, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, châu Á Thái Bình Dương lần đầu vượt 1 tỷ USD. Ông Tuấn tiết lộ, tại các thị trường mới, họ sẽ bắt đầu với thâu tóm sáp nhập (M&A) rồi từ đó mở rộng kinh doanh từ công ty mới.

Nhật Bản là thị trường lớn của FPT ngay từ những ngày đầu thành lập. Năm ngoái, Nhật Bản đóng góp 38% tổng doanh thu FPT Software. Khách hàng của hãng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như KDDI, Itochu, Panasonic, Takenaka, Fujifilm Healthcare, Microsoft Japan. Công ty cũng mở văn phòng tại nhiều thành phố như Sapporo, Nagoya, Osaka, Fukuoka và Okinawa.

“Chúng tôi muốn FPT Japan trở thành công ty đứng thứ 20 tại Nhật Bản và Nhật Bản sẽ duy trì vị trí số 1 với FPT Software nhưng đóng góp 35-50% trong tương lai để cân bằng tỷ lệ với các thị trường khác”, ông Tuấn nói với Nikkei. FPT Japan mua lại NAC vào tháng 3, cung cấp dịch vụ tư vấn thị trường, kỹ thuật và tích hợp hệ thống.

Đại diện FPT Software nhấn mạnh khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Nhật khi làm việc với các công ty bản địa là một điểm mạnh của công ty. Theo Nikkei, hầu hết nhân sự FPT Software đều thành thạo tiếng Nhật vì hơn một nửa sống ở đây trước khi gia nhập FPT. Gần 800 nhân viên biệt phái từ Việt Nam được học tiếng Nhật.

Theo ông Tuấn, công ty muốn duy trì khoảng 30-40% nhân sự ngoại quốc tại Nhật Bản và cần thêm nhiều nhân viên người Nhật. FPT cung cấp các chương trình thực tập sinh cho sinh viên Nhật Bản tại trường đại học FPT ở Việt Nam.

So sánh với các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Tuấn cho biết, “nếu làm cho FPT, họ không chỉ học lý thuyết mà có thể trưởng thành mỗi ngày thông qua học hỏi từ khách hàng, đồng nghiệp, dự án thực tế và công nghệ mới nhất. Đó là triết lý của chúng tôi. Giá trị cốt lõi của FPT là tốc độ, chúng tôi luôn muốn rút ngắn thời gian học hỏi của họ”.

(Theo Nikkei)

>> FPT đặt mục tiêu dịch vụ đám mây GPU từ AI Factory sẽ mang về 100 triệu USD vào năm 2027

FPT đặt mục tiêu dịch vụ đám mây GPU từ AI Factory sẽ mang về 100 triệu USD vào năm 2027

Lý do Alibaba bất ngờ giảm giá hơn 100 dịch vụ đám mây

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/fpt-rot-200-trieu-usd-mo-dich-vu-ai-tai-nhat-ban-2313818.html?zarsrc=31
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    FPT rót 200 triệu USD mở dịch vụ đám mây và AI tại Nhật Bản
    POWERED BY ONECMS & INTECH