Gần 10 triệu tài khoản ví điện tử viễn thông có nguy cơ dừng hoạt động sau 31/12/2024
Dịch vụ này cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để nạp, rút, thanh toán dịch vụ, hàng hóa không cần tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN ) vừa đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định về dịch vụ Mobile-Money trong quý IV/2025, thay thế cho thời hạn thí điểm kết thúc vào ngày 31/12/2024 theo quy định hiện hành.
Gia hạn thí điểm Mobile-Money sau năm 2024
NHNN cho biết đã xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về dịch vụ Mobile-Money. Đến nay, cơ quan này đã nhận được ý kiến của phần lớn các bộ, ngành, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm, ngân hàng thương mại… về Hồ sơ xây dựng Nghị định.
Theo đó, Bộ Tư pháp góp ý về thời hạn thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Theo Nghị quyết số 192/NQ-CP của Chính phủ, việc thí điểm dịch vụ này hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2024. Trong khi đó, NHNN đề xuất trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định trong quý IV/2025.
Bộ Tài chính đề nghị NHNN bổ sung thông tin về việc xử lý các vướng mắc, bất cập (nếu có) liên quan đến việc sử dụng dịch vụ Mobile-Money của hơn 9,8 triệu tài khoản trong trường hợp hết thời hạn thí điểm. Điều này nhằm bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý, không làm phát sinh các vướng mắc, bất cập mới trong thực tiễn.
Trước đó, NHNN đã gửi hai tờ trình tới Chính phủ (số 155/TTr-NHNN ngày 8/11/2024 và số 176/TTr-NHNN ngày 11/12/2024) để nêu khó khăn về thời gian xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile-Money.
Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện thí điểm cho dịch vụ này đến khi VBQPPL được ban hành, có hiệu lực.
“Tuy nhiên, đến nay, NHNN vẫn chưa nhận được chỉ đạo để triển khai việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm đối với dịch vụ Mobile-Money”, báo cáo của NHNN nêu.
NHNN đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money |
Xem xét tháo gỡ khó khăn và mở rộng dịch vụ cho doanh nghiệp đang thực hiện thí điểm Mobile-Money
Bộ Công an ủng hộ việc xây dựng và ban hành Nghị định nhằm tạo điều kiện cho dịch vụ Mobile-Money tiếp cận người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Đồng thời, Bộ Công an khẳng định trong quá trình triển khai thí điểm, chưa phát hiện các hành vi lợi dụng dịch vụ Mobile-Money vào mục đích bất hợp pháp.
Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Mobile-Money cũng đề xuất NHNN xem xét nâng hạn mức giao dịch lên mức tương đương với ví điện tử và thẻ trả trước định danh theo quy định hiện hành.
Nhiều đơn vị đề nghị NHNN áp dụng việc đối chiếu sinh trắc học trong quá trình mở tài khoản Mobile-Money trực tuyến (bỏ điều kiện số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ).
NHNN xem xét cho doanh nghiệp mở rộng một số nghiệp vụ sau khi dịch vụ Mobile-Money được xác thực chính xác qua nhiều bước.
Mobile-Money còn được gọi với tên tiền di động hay ví điện tử viễn thông, là hình thức chuyển đổi tiền mặt sang tiền điện tử. Dịch vụ này cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để nạp, rút, thanh toán dịch vụ, hàng hóa không cần tiền mặt, kể cả mua sắm trực tiếp và online. Tính đến tháng 9/2024, hơn 9,8 triệu khách hàng đã đăng ký dịch vụ, trong đó gần 71,73% là cư dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, chỉ 66,46% tài khoản đăng ký thực sự hoạt động. Hạ tầng dịch vụ cũng được mở rộng với hơn 11.900 điểm kinh doanh, chủ yếu tập trung tại các khu vực khó khăn. |
>> Tết Dương lịch 2025: Ngân hàng thông báo tạm gián đoạn một số giao dịch