Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42% - cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42% - cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%) trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
Về sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,97%; quý II tăng 9,87%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66% (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 11,45%), đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao.
Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 11,2%. Có 61 địa phương có chỉ số IIP tăng, riêng tỉnh Hà Tĩnh và Trà Vinh giảm do ngành sản xuất điện giảm.
Kim ngạch xuất khẩu trong quý II ước đạt 96,8 tỷ USD (tăng 21%), còn 6 tháng đạt 185,94 tỷ USD (tăng 17,3%). Còn nhập khẩu trong quý II ước đạt 97,6 tỷ USD (tăng 15,7%) và trong 6 tháng ước đạt 185,23 tỷ USD (tăng 15,5%).
Dù giá xăng tăng mạnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước; nhưng đã tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44%.
Trong tháng 6, cả nước có gần 13.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm nhẹ so với tháng trước; tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 471.800 tỷ đồng, tăng mạnh ở mức 27,3% so với cùng kỳ năm trước.
Khả năng GDP năm 2022 tăng trên 7%
Theo Bộ Tài chính, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Cùng với đó, S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) hồi tháng 5/2022 thậm chí khẳng định với mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 7%.
Chuyên gia kinh tế - PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) tỏ ra thận trọng: Do “sốc” từ chiến tranh Nga và Ukraina nên nhiều mặt hàng như dầu, phân bón, lương thực... giá tăng cục bộ đẩy lạm phát vượt ngoài kỳ vọng.
Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam lưu ý về những “cơn gió ngược nhiều” cản trở tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự quan tâm, bởi trong bối cảnh Việt Nam lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Làm thế nào để đảm bảo nguyên liệu trong bối cảnh Trung Quốc kiên quyết với chính sách “Zero COVID” đang là câu hỏi được các doanh nghiệp sản xuất và Bộ Công Thương nỗ lực tìm hướng giải quyết.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng triển khai chương trình vaccine từ đó tiến tới phục hồi và tái mở cửa nền kinh tế. Với những yếu tố cơ bản vững chắc và vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam hiện đang vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất trên thế giới.
Từ kết quả khảo sát 1.500 doanh nghiệp tại 6 nền kinh tế lớn nhất, HSBC nhận định, ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam. Kết quả cho thấy, 21% các công ty Ấn Độ đang hoặc dự định thiết lập hoạt động tại Đông Nam Á có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 2 năm tới. Cùng lúc, 26% doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng đang hướng đến ưu tiên tăng trưởng tại đây.
PGS TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc gián đoạn chuỗi cung ứng có tác động trực tiếp đến duy trì tăng trưởng. Tín hiệu lạc quan về nâng hạng tín dụng cho thấy, nền tảng ổn định thị trường để tăng trưởng cao vẫn còn khá lớn cuối năm. Cơ chế tự bảo vệ lợi ích của nền kinh tế cần được tạo ra một cách hiệu quả từ các tác nhân thị trường sẽ bảo đảm tính ổn định cao hơn việc chỉ dựa vào vai trò chi phối hoặc hỗ trợ cục bộ của nhà nước.