Việc "nắm cán" nhiều doanh nghiệp “gốc” Nhà nước không chỉ giúp vị thế của Gelex (GEX) tăng cao mà còn "biến" doanh nghiệp này trở thành một trong những tập đoàn đa ngành có số má ở Việt Nam hiện tại.
CTCP Tập đoàn GELEX (HOSE: GEX) trước đây là Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam hiện do ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984) làm Tổng Giám đốc, kiêm thành viên HĐQT.
Ông Tuấn được mệnh danh là “ông trùm” M&A với hai thương vụ nổi tiếng nhất là thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các tổng công ty có “gốc” Nhà nước là Gelex trước khi cùng với công ty này "nắm cán" tại Viglacera (HOSE: VGC) vào ngày 6/4/2021.
Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex còn có Chứng khoán VIX (VIX), Tổng Công ty Idico (IDC), Marina Holdings (MHC), và CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE), Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW) và KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).
Có thể thấy, hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex khá đa dạng về lĩnh vực trong đó bao gồm chứng khoán, bất động sản, thiết bị điện, kinh doanh nước sạch.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Tuấn hiện chỉ trực tiếp nắm giữ cổ phiếu tại 2 doanh nghiệp là Chứng khoán VIX và Tập đoàn Gelex trong đó sở hữu hơn 58 triệu cổ phiếu VIX - tỷ lệ 10,56% vốn điều lệ công ty và hơn 192 triệu cổ phiếu GEX - tỷ lệ 22,58%.
Ngoài ra, thông qua Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, ông Tuấn còn gián tiếp sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu nước sạch sông Đà (VCW) và PVC-Idico (PXL). Những con số trên đã nhanh chóng biến doanh nhân trẻ tuổi trở thành một trong số những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt ở thời điểm hiện tại.
Với việc liên tục thâu tóm các doanh nghiệp có gốc Nhà nước, Gelex đã nhanh chóng trở thành tập đoàn đa ngành ở Việt Nam hiện nay.
Về tình hình kinh doanh, năm 2021, GEX đạt doanh thu hợp nhất 28.578 tỷ đồng - tăng 59,2% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.057 tỷ đồng - tăng gần 72% so với năm 2020 song đây lại được xem là mức lãi có vẻ khiêm tốn đối với một tập đoàn có quy mô tổng tài sản khổng lô của tập đoàn này.
Theo ghi nhận, tổng tài sản đến cuối năm 2021 của GEX đạt 61.182 tỷ đồng - tăng 125% so với đầu năm; nợ phải trả đến cuối năm tăng vọt 115% từ 18.937 tỷ đồng lên 40.680 tỷ đồng - gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.
Đến hết quý IV/2021, doanh nghiệp có khoản nợ dài hạn gần 14.000 tỷ đồng (bao gồm gần 8.000 tỷ đồng nợ ngân hàng và 5.866 tỷ đồng dư nợ trái phiếu) và nợ ngắn hạn 8.149 tỷ đồng (trong đó gần 6.700 tỷ đồng nợ ngân hàng và 517 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán).
Những "chủ nợ" lớn của GEX được thống kê gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) gần 2.900 tỷ đồng; Ngân hàng Landesbank Baden - Wuerttemberg cho vay hơn 1.627 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho vay 1.090 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 815 tỷ đồng,…
Trong số 29.868 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2021, có tới 11.604 tỷ đồng là hàng tồn kho - tăng gấp bốn lần so với thời điểm đầu năm. Công ty cũng có khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 5.000 tỷ đồng và đang phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 536 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, GEX ghi nhận 302 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán - tăng 314% so với năm 2020.
Có thể thấy, để có dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính của GEX là khá xấu khi doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vay nợ hay huy động vốn qua các nguồn khác nhau.
Họ Gelex (GEX) đi muôn nơi... 
Còn nhớ chỉ trong tuần cuối tháng 12/2021, Gelex đã liên tục triển khai hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động tổng cộng 1.500 tỷ đồng. Bên mua trong cả hai đợt phát hành chỉ được tiết lộ là “một tổ chức tín dụng trong nước”. Được biết, đây đều là lượng trái phiếu có kỳ hạn ba năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, lãi suất cố định 8,5%/năm trong năm đầu sau đó điều chỉnh theo thị trường.
Trước đó, ngay sau khi thâu tóm Viglacera hồi tháng 5/2021, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Sâu hơn, trong năm 2020, Gelex đã huy động tổng cộng 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong đó 2.200 tỷ đồng được dùng cho sản xuất - kinh doanh thông thường, 400 tỷ đồng còn lại dùng để góp vốn vào công ty con.
Sang năm 2022, Gelex tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh ở mức cao với mục tiêu doanh thu đạt 36.000 tỷ đồng và 2.618 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với thực hiện 2021.
Để hiện thực hóa các nhiệm vụ này, Ban lãnh đạo Gelex cho biết sẽ đầu tư thêm gần 1.900 ha khu công nghiệp mới trong năm 2022; nghiên cứu phát triển khoảng 4.300 ha khu công nghiệp/tổ hợp khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới.
Cùng với đó, tập đoàn sẽ tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch đối với cổ phần tại Gelex Hạ Tầng cũng như tăng vốn điều lệ cho Gelex Electric khi cần thiết.
Ngoài ra, Gelex cũng dự kiến chi trả cổ tức năm 2022 với tỉ lệ 15% nhưng đề xuất không chia cổ tức năm 2021 nhằm đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn huy động bên ngoài.
Có thể thấy, sau khi "thu phục" thành công Viglacera (VGC), mọi chỉ số tài chính của Gelex đều tăng lên chóng mặt ngoại trừ vấn đề về chất lượng dòng tiền cũng như dấu hỏi về việc khi nào doanh nghiệp lại chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông khi lần gần nhất nhà dầu tư họ "GEX" được nhận cổ tức bằng tiền từ doanh nghiệp nhà đã cách đây gần 4 năm (tháng 8/2018).
Bức tranh tài chính khả quan của GELEX (GEX) 
Gelex (GEX) đặt mục tiêu có 20 khu công nghiệp, quỹ đất tăng thêm từ 2.000-3.000ha