Giá dầu thế giới giảm phiên thứ ba liên tiếp
Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch 24/10, sau một loạt dữ liệu kinh tế gây thất vọng từ Đức, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh, đè nặng lên triển vọng về nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,76 USD, tương đương 2%, xuống mức 88,07 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 1,75 USD, tương đương 2,1%, đóng cửa ở mức 83,74 USD/thùng.
Số liệu về hoạt động kinh doanh tại Eurozone bất ngờ sụt giảm trong tháng Mười này, cho thấy Khu vực đồng tiền chung có thể rơi vào suy thoái. Trong khi đó, các số liệu kinh tế mới nhất của Đức cho thấy nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu đã rơi vào suy thoái.
Các doanh nghiệp tại Anh cũng công bố hoạt động kinh doanh hàng tháng tiếp tục sụt giảm, nêu bật rủi ro suy thoái trước quyết định lãi suất tuần tới của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Ngược lại với bức tranh lại châu Âu, số liệu của Mỹ cho thấy sản lượng kinh doanh tăng cao trong tháng 10/2023, khi lĩnh vực sản xuất thoát khỏi đà sụt giảm kéo dài 5 tháng.
Bức tranh khả quan của kinh tế Mỹ đã nâng đỡ đồng USD, khiến giá dầu - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
John Kilduff, đối tác của Again Capital có trụ sở tại New York, cho biết: “Mặc dù thị trường đang lo lắng về cuộc xung đột ở Trung Đông và những nỗ lực thắt chặt nguồn cung từ Saudi Arabia, nhưng nhu cầu vẫn là trở ngại trong một thời gian”.
Tuy vậy, báo cáo về kho dự trữ dầu hàng tuần của Viện Dầu khí Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô và nhiên liệu của nước này giảm mạnh trong tuần trước, cho thấy nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ.
Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters hôm 23/10 cho thấy các nhà phân tích dự kiến tồn kho dầu thô của Mỹ sẽ tăng. Số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào ngày 25/10 (giờ địa phương).
Giá dầu giảm trước áp lực lãi suất Mỹ tăng cao 
Quặng sắt, dầu thô: Đâu là hàng hóa có bước chạy đà tốt từ đầu năm tới nay?