Dự thảo của Bộ Công Thương đề nghị, khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh.
Bộ Công Thương mới có thông tin về dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 30/6/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Mục tiêu của Dự thảo này theo Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, bổ sung, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến phương pháp tính toán, số liệu sử dụng cũng như trình tự, thủ tục và thẩm quyền trong quá trình xây dựng và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm, đảm bảo công khai minh bạch trong điều hành giá điện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh giá điện, Dự thảo đề nghị, khi có biến động thông số đầu vào dẫn tới giá điện tính toán tăng từ 1% trở lên thì giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh (thay vì mức 3% như quy định hiện hành).
Dự thảo cũng đề xuất cho phép Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân đến mức dưới 5%. Khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% trở lên thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo. Sau khi Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến thì EVN được điều chỉnh tăng giá điện.
Với trường hợp chi phí đầu tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến cuối cùng về việc điều chỉnh giá điện để EVN thực hiện.
Đáng chú ý, tại Dự thảo lần này kế thừa và làm rõ quy định điều chỉnh giảm giá điện, khi thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm.
"Nếu kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào, EVN phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng, thời gian thực hiện điều chỉnh giảm giá điện từ ngày 1/10 của năm đó", Dự thảo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng quy định cụ thể về các mốc thời gian, trình tự, thủ tục, trách nhiệm và thẩm quyền trong việc lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hằng năm. Cụ thể chu kỳ tính toán và điều chỉnh giá điện được quy định thực hiện 1 lần/năm.
"Trước ngày 1/8 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán giá bán lẻ điện bình quân của năm và quy định thời điểm điều chỉnh giá điện cố định vào ngày 1/10 hàng năm", Dự thảo quy định.
Dự thảo quy định rõ hồ sơ xây dựng phương án giá điện hằng năm căn cứ theo báo cáo tài chính, báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện; Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề năm tính giá do Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện.
Các thông số đầu vào tính toán giá điện được cập nhật thực tế thực hiện của 6 tháng đầu năm và dự kiến cho 6 tháng còn lại của năm tính giá; Sửa đổi, bổ sung phương pháp và công thức lập giá bán điện bình quân phù hợp với thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã đăng tải công khai Dự thảo trên trang thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến người dân và khách hàng sử dụng điện, đồng thời gửi văn bản tới các Bộ, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan đề nghị tham gia góp ý. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV/2022.
EVN dự kiến lỗ gần 100.000 tỷ đồng trong năm 2022-2023 
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Tăng giá điện phải đánh giá kỹ tác động đến đời sống người dân