Giá HRC tiếp tục giảm, doanh nghiệp báo lỗ gộp, thép rẻ Trung Quốc 'đi muôn nơi'
Giá thép HRC Trung Quốc liên tục giảm mạnh ảnh hưởng gián tiếp đến triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Sự sụt giảm này phản ánh dư cung toàn cầu và áp lực lên lợi nhuận ngành thép.
Trong tuần qua, giá thép xuất khẩu từ Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 31 USD xuống 449 USD/tấn, trong khi giá thép thanh giảm 28 USD xuống 462 USD/tấn. Sự sụt giảm này phản ánh dư thừa nguồn cung và nhu cầu yếu trên toàn thị trường.
Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang giảm mạnh, với thép thanh có biên lợi nhuận âm 45 nhân dân tệ/tấn và HRC là âm 23 nhân dân tệ/tấn.
Theo báo cáo của Mysteel, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản xuất, với công suất lò cao giảm xuống 85,92% trong tuần từ 9-15/8. Tình trạng này có thể kéo dài sang năm sau.
Ảnh minh họa |
Nguyên nhân chính là sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường bất động sản Trung Quốc (chiếm 29% nhu cầu thép năm 2023) khi số lượng khởi công xây dựng mới giảm 52% so với đỉnh năm 2021 và 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng đang yếu đi.
Các chuyên gia của BofA dự đoán tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2025 nếu nhu cầu không thay đổi, đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất thép Trung Quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giảm giá thép Trung Quốc đang phản ánh những vấn đề vĩ mô không tích cực: (1) Kinh tế chậm lại, (2) lệch pha cung cầu, (3) chiến lược giá và xuất khẩu.
Nhằm giảm áp lực tồn kho, doanh nghiệp thép Trung Quốc có thể gia tăng việc xuất khẩu thép ra bên ngoài trong đó có giải pháp hạ giá bán (thậm chí phá giá, cắt lỗ).
Tại Việt Nam, Hòa Phát , doanh nghiệp thép đầu ngành, có thể chịu tác động mạnh từ câu chuyện thép nhập ngoại, đặc biệt là đối với sản phẩm HRC. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá  đối với thép HRC và tôn mạ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc vào tháng 10 hoặc 11/2024, tuy nhiên tác động có thể không lớn.
Yếu tố kỳ vọng đối với "vua thép" Hòa Phát lúc này là dự án Dung Quất 2 , "quả đấm thép" có công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, có tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, có thể giúp tăng quy mô doanh thu của tập đoàn thêm 80.000-100.000 tỷ đồng/năm. Tính đến tháng 8/2024, dự án đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2; thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2024.
Dù vậy, áp lực cạnh tranh giá giữa Hòa Phát và các doanh nghiệp thép ngoại có thể tiếp tục kéo dài nếu tình trạng dư cung tại Trung Quốc và một số nước khác cũng như các chính sách điều tiết không thay đổi.
>> Cứu cánh nào cho ‘vua thép’ Hòa Phát (HPG) trong cơn bĩ cực mang tên HRC? 
Liên danh VCG, C4G sáng cửa trúng gói thầu hơn 6.300 tỷ đồng, dự án sân bay Long Thành 
Ấn Độ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC Việt Nam