Cứu cánh nào cho ‘vua thép’ Hòa Phát (HPG) trong cơn bĩ cực mang tên HRC?
Cổ phiếu HPG đang hồi phục song nhiều lo ngại đã xuất hiện đối với "vua thép" Hòa Phát như giá HRC giảm mạnh, áp lực từ thép nhập khẩu và nguy cơ phòng vệ thương mại quốc tế.
Cổ phiếu HPG phục hồi
Nhóm cổ phiếu thép như HPG , HSG , NKG đang có tín hiệu hồi phục kỹ thuật sau quãng 1-2 tháng điều chỉnh. Kể từ mức 25.200 đồng phiên 15/8, cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 3 phiên liên tiếp, giá lúc 11h30 đạt 26.050 đồng. Tính đến cuối quý II/2024, Tập đoàn Hòa Phát có P/E 14,8 lần, P/B 1,5 lần.
Diễn biến cổ phiếu HPG |
Xét về hiệu quả hoạt động, sau ghi nghi nhận các mức âm trong quý II/2023, chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) và ROA (lợi nhuận/tổng tài sản) của "vua thép" đã tăng trưởng trở lại trong 4 quý gần nhất, hiện đạt lần lượt 9,3% và 4,8%.
Tuy vậy, con số này hiện vẫn thấp hơn nhiều mức 32,5% và 14,7% hồi quý I/2022 khi Hòa Phát báo lãi sau thuế hơn 11.200 tỷ đồng. Thậm chí, mức tăng trưởng trên có thể bị chặn lại trong bối cảnh ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đang chịu nhiều áp lực lớn.
Lo ngại giảm hiệu quả hoạt động
Đầu tiên, áp lực từ thép nhập ngoại giá rẻ Trung Quốc và một số nước vào Việt Nam khiến thị phần của các doanh nghiệp thép thu hẹp đáng kể. Áp lực giảm giá bán sẽ kéo theo việc thu hẹp biên lợi nhuận của doanh nghiệp nội địa.
Kế đó, hàng loạt thông tin bất lợi đối với Hòa Phát và ngành thép liên tiếp xuất hiện trong thời gian ngắn. Có thể kể đến:
- Giá HRC tiếp tục giảm về vùng đáy 3 năm: Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) trong tháng 7 giảm 5,43% so với tháng trước và giảm 5,1% YoY. Giá HRC bình quân tháng 7 là 520 USD/tấn - giảm 9,5% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng HRC giảm 9,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 42,1% so với tháng 6. Giá HRC Q235 3-12mm của Trung Quốc giảm xuống khoảng 460 USD/tấn và HRC Q195 (độ dày 3mm) còn 458 USD/tấn, giảm 40-45% so với thời điểm trước đó hơn 2 năm.
Cần nhấn mạnh, với Hòa Phát, HRC cùng với thép xây dựng là hai mặt hàng đóng góp doanh thu chủ lực cho tập đoàn.
HRC là một trong hai mặt hàng chủ lực của Tập đoàn Hòa Phát |
>> Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) có tín hiệu đảo chiều hồi phục? 
- Hàng loạt các động thái phòng vệ thương mại: Cách đây ít ngày, châu Âu đã thông báo điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn từ Việt Nam. Sau động thái điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép từ Trung Quốc, Ấn Độ, mới nhất, phía Ấn Độ cũng đáp trả bằng việc mở cuộc điều tra chống bán phá giá thép HRC Việt Nam.
Dù không phải thị trường xuất khẩu thép chủ lực song số liệu từ VSA cho thấy thị phần xuất khẩu vào Ấn Độ của các doanh nghiệp thép tại Việt Nam cũng chiếm 2%.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Công Thương vừa cảnh báo về nguy cơ mặt hàng thép hình cán nóng của Việt Nam có thể bị Úc điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Cứu cánh lớn nhất của Hòa Phát nói riêng và nhóm doanh nghiệp sản xuất HRC nội địa nói chung lúc này chính là việc chờ tin tích cực từ kết quả điều tra chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc của Bộ Công Thương. Nếu được thông qua, Hòa Phát có thể nắm ưu thế lớn hơn trong việc nâng giá bán, tăng sản lượng và mở rộng thị phần HRC trong nước.
Tóm lại, ngành thép Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có tiềm năng lớn nếu các doanh nghiệp và Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh. |