Giá lương thực toàn cầu tiếp tục "bất ổn" trong năm 2023?

07-03-2023 16:19|Khánh Linh

Theo Nikkei Asia, giá lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục biến động trong năm nay do hiện tượng thời tiết El Nino được dự báo sẽ quay trở lại cộng với những bất ổn từ căng thẳng Nga - Ukraine và việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc.

Giá lương thực toàn cầu thời gian gần đây có xu hướng giảm sau khi Nga đồng ý bỏ lệnh cấm xuất khẩu của Ukraine.

Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 2 là 129,8 điểm, giảm nhẹ so với mức 130,6 điểm ghi nhận hồi tháng 1 và là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Đây là tháng thứ 11 liên tiếp chỉ số giá lương thực thế giới giảm.

Trước đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) nhận định giai đoạn 2021-2022 là “hai năm rất bất ổn” của thị trường lương thực. Giá lúa mì, ngô và dầu thực vật đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra.

Tuy nhiên, Rubens Marques, người đứng đầu khu vực Nam và Đông Nam Á tại Tập đoàn Louis Dreyfus (tập đoàn của Pháp chuyên mảng thương mại nông sản, thực phẩm chế biến vận chuyển quốc tế và tài chính), cho biết những bất ổn kéo dài khi giá phân bón và dầu thô tăng cao do xung đột địa chính trị, khiến chi phí sản xuất và phân phối các mặt hàng nông nghiệp nói chung ở mức cao.

Ngoài ra, sự suy thoái kinh tế toàn cầu và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường lương thực bởi “Trung Quốc sẽ thu hút nhiều hàng hóa hơn trong những tháng tới”.

Và sau đó là El Nino (trái với hiện tượng La nina), một hiện tượng có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí là năm gây ra hạn hán, thiếu nước canh tác, sẽ xảy ra một số nước ở châu Á. Tổ chức Khí tượng Thế giới tuần trước cho biết hiện tượng El Nino có thể phát triển từ tháng 6 đến tháng 8.

El Nino có thể dẫn đến sản lượng của các mặt hàng như dầu cọ, cà phê và gạo, đường, ngũ cốc giảm. Đây là những mặt hàng thế mạnh của các nước Đông Nam Á.

Mặc dù hiệu ứng El Nino chỉ là tạm thời, Marques cho biết Louis Dreyfus có những lo ngại dài hạn về nguồn cung lương thực ở châu Á chủ yếu do biến đổi khí hậu, đồng thời lưu ý đến các thảm họa thiên nhiên thường xuyên hơn như lũ lụt lớn ở Pakistan vào năm ngoái. Sự sẵn có của đất canh tác cũng đang bị thu hẹp khi dân số tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia.

Marques cho biết, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng gây ra rủi ro vì điều đó đồng nghĩa sẽ có ít người làm việc trong các trang trại hơn. Hơn nữa, hầu hết các mặt hàng nông nghiệp ở châu Á vẫn được sản xuất bởi các hộ nông dân nhỏ, những người dễ bị tổn thương hơn trước tất cả các mối đe dọa đó.

Marques cho biết nhiều quốc gia có thứ hạng kém trong bảng xếp hạng an ninh lương thực toàn cầu. Trong Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu 2022 do Economist Intelligence Unit công bố, Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 40 trong số 113 quốc gia được xếp hạng. Indonesia và Ấn Độ lần lượt xếp thứ 63 và 68.

Để giải quyết những vấn đề như vậy, Marques cho biết Louis Dreyfus hiện đang làm việc với các đối tác là nông dân sản xuất nhỏ ở các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ trong một loạt các dự án bền vững. Dự án này bao gồm những mục tiêu nhằm phát triển canh tác hữu cơ và các kỹ thuật thông minh với khí hậu để giảm lượng khí thải carbon.

Những mặt hàng khiến giá lương thực thực phẩm tăng mạnh trong tháng 9

Chỉ số giá lương thực thế giới thấp nhất trong gần 3 năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-luong-thuc-toan-cau-tiep-tuc-bat-on-trong-nam-2023-172504.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giá lương thực toàn cầu tiếp tục "bất ổn" trong năm 2023?
    POWERED BY ONECMS & INTECH