Giá cả

Giá điện, thức ăn 'kéo' CPI tăng

Nguyễn Lê 29/07/2023 - 11:36

Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng năm nay, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố sáng 29/7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. 

So với tháng 12/2022, CPI tháng 7 tăng 1,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,06%.

Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm và giá điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.

 Bình quân 7 tháng năm nay, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Anh Nguyễn)

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính viễn thông giá giảm 0,12%.

Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với chỉ số giá tăng 0,63%, tác động làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm.

Giá thực phẩm tháng 7/2023 tăng 0,79% so với tháng trước ảnh hưởng từ nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp nghỉ hè du lịch, cùng với giá điện tăng đã tác động đến giá một số mặt hàng như: giá thịt lợn tăng 2,7%; giá thịt gia cầm tăng 0,57%; giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,14%; giá thủy sản chế biến tăng 0,21% so với tháng trước.

(Nguồn: TCTK)

Lạm phát cơ bản tháng 7/2023 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,65% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,12%). 

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm 19,32% so với cùng kỳ năm trước. Giá gas giảm 11,44% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Số liệu cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tiếp tục tăng ở mức thấp 2,06%. 

Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 9,29% trong tháng 7/2023. 

Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2022.

Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Sau 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần

Dự án điện tái tạo hưởng giá ưu đãi không đúng sẽ bị thu hồi lại tiền

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/gia-dien-thuc-an-keo-cpi-tang-2170980.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giá điện, thức ăn 'kéo' CPI tăng
    POWERED BY ONECMS & INTECH