Tình trạng thiếu phân bón hoá học, đồng thời giá bán tăng cao khiến nông dân trên toàn cầu đang tìm đến phân bón hữu cơ như giải pháp thay thế lâu dài. World Bank dự báo xu hướng tăng giá của một số loại phân bón sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.
Giá phân bón tăng cao trên mọi “mặt trận”
Thị trường phân chuồng từ lợn, ngựa, gia súc, thậm chí cả con người chưa bao giờ hết nóng vì tình trạng thiếu phân bón hoá học trên toàn cầu.
Giá phân bón tổng hợp, phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và than làm nhiên liệu thô đã tăng vọt trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và các hạn chế xuất khẩu của Nga, Trung Quốc. Điều này làm tăng thêm thách thức với chuỗi cung ứng nông nghiệp trong thời điểm chi phí lượng thực toàn cầu gần đạt mức cao kỷ lục còn người nông dân tranh giành phân bón để tránh thiệt hại cho năng suất cây trồng toàn cầu.
Chỉ số giá phân bón Bắc Mỹ Green Markets dao động quanh mức cao nhất mọi thời đại: 1.072,87 USD/tấn thiếu. Tại Trung Quốc, ure giao ngay đã tăng hơn 200% trong năm nay.
Nhu cầu về phân bón tăng cao trên toàn cầu. Ở Iowa (Mỹ), phân bón được bán với giá 40-70 USD/tấn thiếu, tăng khoảng 10 USD so với 1 năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2012, theo Daniel Anderson – Phó giáo sự tại Đại học Iowa.
Một chuyên gia về phân bón cho biết phân chuồng chủ yếu được bán tại các chợ địa phương và các xe tải chở phân không được phép đi xa hơn 50 dặm (80 km). Khi giá cây trồng, phân bón và phân chuồng tăng cao kỷ lục, nhiều nông dân đã đưa các động vật như lợn, gia súc vào nuôi, một phần để lấy phân.
Phân bón thương mại được phát minh hơn một thế kỷ trước, là một trong những công nghệ được ghi nhận để nâng cao năng suất cây trồng, nuôi sống hàng tỷ người trên hành tinh.
Nhưng ngay từ trước khi giá phân bón hoá học bắt đầu tăng cao, các sản phẩm hữu cơ đã được chú ý nhiều hơn khi những người ủng hộ lập luận rằng các chất hoá học mạnh trong phân bón thương mại có thể tạo ra tác động ăn mòn đối với đất. Trong khi đó, phân xanh và kỹ thuật ủ phân có thể tăng cường chất dinh dưỡng cho cây trồng cũng như cải thiện chất lượng đất.
Giá Urê trong nước thiết lập kỷ lục mới
Trong tháng 11 và đầu tháng 12, giá các mặt hàng phân bón trong nước tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao theo xu hướng chung của thị trường thế giới trong đó, giá phân bón Urê tính đến ngày 7/12 đã vượt qua kỷ lục của năm 2008 khi chạm ngưỡng 18.000 – 19.000 đồng/kg tại TP. HCM, tăng thêm 19 - 29% (tương ứng tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg) so với cuối tháng 10 và tăng 60 – 70% chỉ sau hơn 2 tháng trở lại đây.
Giá các mặt hàng phân bón khác cũng tăng nhưng với biên độ chậm hơn, Kali và NPK tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg; Giá DAP Đình Vũ tăng nhẹ 200 đồng/kg, lên mức 19.000 đồng/kg; DAP Trung Quốc tăng 500 – 1.000 đồng/kg, lên mức 23.000 đồng/kg.
Như vậy, giá phân bón Urê hiện đã tăng 2,7 lần so với đầu năm nay, còn các mặt hàng phân bón khác cũng tăng từ 2 – 2,5 lần.
Đà tăng của phân bón dự báo có thể kéo dài đến tháng 6/2022
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá Urê thế giới dự báo sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 do giá nguyên liệu đầu vào ở mức vừa phải.
Tuy nhiên, giá DAP dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022 do nguồn cung thắt chặt, trừ khi các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được nới lỏng sớm hơn dự đoán. Trong khi đó, giá Kali được dự báo sẽ tăng vọt vào năm 2022 khi giá giao ngay đang tăng đáng kể do nguồn cung tiếp tục gián đoạn.
11 tháng năm nay, khí đốt tự nhiên và phân bón Urê là 2 mặt hàng có giá tăng mạnh nhất trong bảng theo dõi hàng hóa toàn cầu của World Bank.
Việc giá khí đốt tăng tới 3,8 lần trong 11 tháng qua đã đẩy giá Urê Biển Đen lên mức trung bình 900 USD/tấn trong tháng 11, tăng gấp 3,4 lần so với chỉ 265 USD/tấn của tháng 1 năm nay và đánh dấu mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Ngoài ra, giá các mặt hàng phân bón khác được theo dõi bởi World Bank cũng tăng cao so với đầu năm nay như: DAP tăng 72,5%, đạt 726,7 USD/tấn; TSP tăng 97%, đạt 665 USD/tấn; Phosphate tăng 80,2%...
Giá phân bón, đặc biệt là giá đạm Urê tăng đột biến sau khi giá than và khí đốt tự nhiên, hai nguồn năng lượng chính dùng để sản xuất phân bón tăng kỷ lục. Đồng thời, thị trường còn chịu tác động từ các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc và Nga.
Còn trên thị trường Kali toàn cầu, một số quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus vào tháng 8 năm nay (bao gồm Liên minh châu Âu vào tháng 6 và Vương quốc Anh, Mỹ và Canada) đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung Kali của nước này.