Giá sầu riêng 'loạn nhịp' dịp lễ, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đến 78%
Trái ngược với thị trường trong nước đang "nhiễu loạn" giá, giá sầu riêng thu mua phục vụ xuất khẩu hiện đang được phân loại rõ ràng theo tiêu chuẩn.
Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, giá sầu riêng tại thị trường bán lẻ TP. HCM ghi nhận mức chênh lệch rất lớn, dao động từ 60.000 đến 115.000 đồng/kg, tùy theo nơi bán và chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc – thị trường chủ lực – đang chậm lại đáng kể, khiến giá thu mua đầu vào tại các vựa giảm mạnh.
Theo khảo sát, tại các điểm bán vỉa hè, sầu riêng nguyên trái phổ biến ở mức 60.000 – 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các siêu thị, giá bán dao động từ 90.000 – 115.000 đồng/kg, tùy thương hiệu và nguồn gốc.
![]() |
Tại các siêu thị, giá bán dao động từ 90.000 – 115.000 đồng/kg |
>> Lão nông miền Tây tiết lộ bí quyết trồng 'cây tỷ đô', đút túi 5 tỷ đồng/năm
Chẳng hạn, tại Co.opMart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), sầu riêng Ri 6 thương hiệu Huỳnh Lâm đang có giá 115.000 đồng/kg (giảm từ mức gốc 139.000 đồng/kg), trong khi cùng giống sầu riêng này, không có thương hiệu, chỉ ghi xuất xứ Tiền Giang, Bến Tre lại được bán với giá 73.500 đồng/kg.
![]() |
Giá sầu riêng có nhiều chênh |
Tại siêu thị Kingfoodmart, giá sầu riêng nhỏ hơn có giá 90.000 đồng/kg, còn tại một điểm bán trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh), sầu riêng Ri 6 bán chỉ 60.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với cách đây một tháng.
Giá tại vựa xuống thấp, xuất khẩu gặp khó
Trái ngược với thị trường trong nước đang "nhiễu loạn" giá, giá sầu riêng thu mua phục vụ xuất khẩu hiện đang được phân loại rõ ràng theo tiêu chuẩn. Ngày 1/5, các vựa thông báo:
Loại A: 53.000 đồng/kg
Loại B: 33.000 đồng/kg
Loại C & D: 25.000 – 28.000 đồng/kg
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc giá bán lẻ trong nước cao hơn giá nhà vườn là do sầu riêng có tỉ lệ hao hụt lớn, dễ hư hỏng, kéo theo chi phí tăng cao. Ngoài ra, chất lượng và quy mô bảo quản, vận chuyển cũng khiến giá bán lẻ biến động mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn đến từ xuất khẩu sang Trung Quốc, khi tốc độ thông quan chậm lại rõ rệt. "Có doanh nghiệp phản ánh mất cả tuần để hoàn tất thủ tục cho một lô hàng, trong khi trước đây chỉ mất vài ngày," ông Mười cho biết.
Theo thống kê, trong quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 98 triệu USD, giảm 61% so với cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc, chiếm tỷ trọng lớn nhất, chỉ đạt 49,6 triệu USD, giảm sâu 78%.
Hiện nay, vụ thu hoạch sầu riêng đang vào chính vụ, song tốc độ tiêu thụ và xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc, khiến giới nông dân và doanh nghiệp lo ngại áp lực tồn kho và giá giảm sâu trong thời gian tới.
>> Sầu riêng Việt tìm được 'người đóng thế' giữa lúc bị Trung Quốc làm khó
Cho thu 1-2,5 tỷ đồng/ha, tỉnh nào có diện tích sầu riêng lớn nhất sau sáp nhập?
Sầu riêng Việt tìm được 'người đóng thế' giữa lúc bị Trung Quốc làm khó