Theo VDSC, khủng hoảng Nga - Ukraine đã khiến cho nguồn cung thép của châu Âu bị thiếu hụt. Vì vậy, các doanh nghiệp thép Việt Nam như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim hay Formosa có thể hưởng lợi.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, chi phí sản xuất thép có xu hướng tăng ở châu Âu do giá năng lượng tăng cao.
Rủi ro nguồn cung cấp khí đốt từ Nga có thể bị giảm hoặc bị cắt hoàn toàn do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu EU đã khiến giá gas hợp đồng tương lai tháng 4 tại Hà Lan tăng khoảng 85% lên 130 EUR/MWh so với một tuần trước khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra.
Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của EU, khí đốt tự nhiên chiếm 23%, trong đó khoảng 40% được nhập khẩu từ Nga. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt được áp lên ngành thép của Nga có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép ở châu Âu.
Năm 2021, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 5 triệu tấn thép phẳng, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu của EU. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) Bắc Âu đã tăng 35% từ 1.054 USD/tấn vào đầu tháng 2 lên 1.419 USD/tấn hiện nay.
Do nhu cầu phục hồi sau mùa đông và chênh lệch giá HRC giữa châu Âu và Việt Nam ngày càng tăng, lượng đơn đặt hàng từ châu Âu đã cải thiện mạnh mẽ kể từ tháng 1/2022 sau khi giảm trong quý IV/2021.
Hiện tại, Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã nhận đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 5/2022, VDSC cho hay.
Bên cạnh đó, do chênh lệch giá cao hơn, xuất khẩu có thể mang lại mức biên lợi nhuận gộp tốt hơn, và có thể phản ánh vào kết quả kinh doanh từ cuối quý I và trong quý II năm 2022. Cụ thể, chênh lệch giá HRC Châu Âu - VN đã tăng từ 256 USD/tấn vào đầu tháng 2 lên 509 USD/tấn, chỉ thấp hơn 7% so với mức dỉnh 547 USD/tấn vào giữa năm 2021.
Tuy nhiên, hạn ngạch nhập khẩu của EU có thể hạn chế tác động tích cực của cuộc chiến Nga - Ukraine đối với tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các nhà sản xuất Việt Nam.
Hiện nay, EU đang áp mức hạn ngạch nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn mỗi năm đối với nhóm “các nước khác”, trong đó có Việt Nam, trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2024.
Trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu khoảng 980.000 tấn sang khu vực này, tương đương khoảng một nửa hạn ngạch. Với sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, ngoại trừ Hàn Quốc, Ấn Độ và Vương quốc Anh, dư địa gia tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là tương đối nhỏ.
Một số nhà sản xuất thượng nguồn đang gặp nhiều thách thức do giá than luyện cốc tăng mạnh. Rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Nga đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu than tìm các nguồn thay thế từ Australia hoặc Indonesia, VDSC cho hay.
Năm 2021, Nga cung cấp khoảng 9% tổng lượng than luyện cốc trên thế giới, đứng ở vị trí thứ ba. Do nhu cầu gia tăng, giá than luyện cốc của Australia đã tăng mạnh khoảng 43% từ đầu tháng 2/2022 lên 570 USD tấn vào đầu tháng 3/2022.
Giá than lên cao sẽ ảnh hưởng đến các lò cao tại Việt Nam khi lượng than từ Australia chiếm khoảng 55% tổng lượng than nhập khẩu trong năm 2021. Bên cạnh đó, giá quặng sắt đã phục hồi về mức 135 USD/tấn vào tháng 3/2022 sau khi chạm đáy ở mức 92 USD/tấn vào tháng 11/2021.
Các xu hướng trên dự kiến sẽ thúc đẩy chi phí sản xuất thép tăng mạnh trong quý II/2022. VDSC ước tính rằng chi phí sản xuất phôi của các lò cao có thể tăng lần lượt khoảng 4% và 14% so với quý liền trước trong quý I và II/2022. Do đó, Hòa Phát và Formosa có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn do chi phí tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận gộp.
Hòa Phát (HPG) nắm gần 40% thị phần thép xây dựng, đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới 
Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10