Chỉ trong 9 tuần, giá thép trong nước đã giảm 9 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng 3,3 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Giá thép trong nước tiếp tục giảm đến 250.000 đồng/tấn
Ngày 17/7/2022, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục hạ giá sản phẩm với mức giảm đến 250.000 đồng/tấn. Đợt điều chỉnh này là lần giảm thứ 9 liên tiếp từ ngày 11/5.
Tại khu vực miền Bắc và miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm 250.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,99 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 250.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn xuống còn 15,91 triệu đồng/tấn và 16,36 triệu đồng/tấn.
Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn còn 15,86 triệu đồng/tấn và 16,36 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá hôm nay là 15,81 triệu đồng/tấn và 16,36 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 150.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn theo thứ tự.
Như vậy, trong 9 tuần, giá thép giảm 9 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Về thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 18/7 là 3.750 nhân dân tệ/tấn (554 USD/tấn), giảm 5% so với cuối tuần trước.
Về giá giao ngay, trong tuần trước, giá quặng 63,5% giao tại cảng Thiên Tận, Trung Quốc là 720 nhân dân tệ/tấn (106 USD/tấn) vào ngày cuối tuần, giảm 10,4% so với đầu tuần. Thép cuộn cán nóng giảm 8,7% trong tuần trước và giao dịch ở 3.756 nhân dân tệ/tấn (555 USD/tấn) vào ngày cuối tuần. Cuộn cán nguội và thép thanh vằn cùng hạ 8% và giao dịch lần lượt ở 4.256 nhân dân tệ/tấn (630 USD/tấn) và 3.752 nhân dân tệ/tấn (556 USD/tấn) vào ngày cuối tuần.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động không thật sự thuận lợi từ đầu năm, nhóm thép là một trong những tâm điểm chịu áp lực bán mạnh. Hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm hàng chục %, thậm chí hơn một nửa thị giá sau hơn 6 tháng. Vốn hóa của toàn ngành thép cũng theo đó bị thổi bay hơn 100.000 tỷ đồng (~ 4,26 tỷ USD) từ đầu năm 2022.
Tính riêng 10 doanh nghiệp thép lớn nhất trên sàn, con số này đã lên đến 98.000 tỷ đồng (~ 4,2 tỷ USD) trong đó vốn hóa của "anh cả" Hòa Phát (mã HPG) đã mất hơn 72.600 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Hoa Sen Group (mã HSG), Thép Việt Nam (mã TVN), Thép Nam Kim (mã NKG), Thép Pomina (mã POM),... cũng đều bị "bốc hơi" hàng nghìn tỷ vốn hóa.
Triển vọng nào cho ngành thép năm 2022?
Đánh giá về những triển vọng tăng trưởng của ngành thép trong năm 2022, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, bước sang năm 2022, khi gói kích thích kinh tế 2022 - 2023 được thông qua sẽ nhanh chóng giúp thị trường trong nước hồi phục. Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150 nghìn tỷ đồng, cộng với mức 530 nghìn tỷ đồng đang có sẽ giúp chi tiêu công tăng khoảng 38%.
Các doanh nghiệp ngành thép kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trong năm 2022 khi nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt khi dịch bệnh được kiểm soát. Thêm vào đó, những sự điều chỉnh về Luật Xây dựng, đầu tư và bất động sản sẽ giúp tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản trong những năm gần đây.
MBKE dự báo những yếu tố này sẽ giúp thị trường thép trong nước sẽ có được sự phục hồi, tăng trưởng từ 15% đến 20%.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhận định, ngành thép năm nay sẽ rất khó khăn, không còn thuận lợi như những năm trước do nhu cầu giảm trong khi nguồn cung không đổi. Điều này sẽ gây áp lực lên giá thép từ nay đến cuối năm.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, năm 2022, ngành thép vẫn tiếp tục được đánh giá tích cực dựa trên các luận điểm: Giá thép cuộn cán nóng (HRC) kỳ vọng duy trì ở mức cao khi Trung Quốc và Úc tiếp tục căng thẳng thương mại, gây sức ép lên nguồn cung quặng sắt; Dự phòng sản lượng sản xuất toàn cầu phục hồi từ cuối năm 2021 và còn dư địa sang năm 2022; Sản lượng ngành thép nội địa phục hồi theo ngành bất động sản, xây dựng; Lãi suất giảm, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm. Cuối cùng, công ty này cho rằng thị trường xuất khẩu thép trong năm 2022 sẽ tiếp tục rộng mở dưới tác động từ chiến tranh giữa Nga - Ukraine.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán VietcomBank (VCBS) cũng đã đưa ra nhận định, khi Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ nước này, sẽ mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Đối với thị trường châu Âu, các biện pháp tự vệ như áp dụng quota khiến các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào châu Âu thời gian ngắn khó tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Đặc biệt, tại Báo cáo đánh giá triển vọng thị trường thép Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, năm 2022 cũng được dự báo sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19.
Cùng với Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 09/01/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2022 cùng các giải pháp duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022, gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022…
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và các ngành, các cấp, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, tạo điều kiện cho các nhà máy thép hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn cung thép cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu… những yếu tố đó sẽ góp phần giúp ngành thép duy trì sản xuất và phát triển. Hiệp hội Thép Việt Nam dự kiến, năm 2022 tăng trưởng sản xuất thép thô khoảng 8-10% so với năm 2021; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021…