Giá thực phẩm nhiều nơi tăng chóng mặt, AEON Việt Nam và Dabaco (DBC) lên tiếng
Do tác động của bão lũ, hoạt động vận chuyển khó khăn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung hàng hóa tại khu vực phía Bắc.
Bão Yagi  đã tàn phá nặng nề các địa phương miền Bắc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều khu vực bị lũ lụt nghiêm trọng, khiến lúa và hoa màu bị hư hại nặng nề, các khu nuôi trồng thủy sản cũng bị cuốn trôi.
Hoạt động vận chuyển khó khăn đã ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lớn trên thị trường đã cam kết tăng cường cung cấp hàng hóa từ Đà Lạt và các nguồn khác, đồng thời thực hiện các biện pháp bình ổn giá.
Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung của AEON Việt Nam  cho biết, sức mua tại các siêu thị và trung tâm thương mại khu vực phía Bắc đã tăng mạnh so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu đột biến, AEON đã tăng gấp 2-3 lần lượng hàng đặt từ nhà cung cấp.
Dù vậy, bão Yagi đã gây ra những ảnh hưởng cục bộ đối với các nhà cung cấp, đặc biệt là hàng tươi sống.
"Với mặt hàng rau củ quả, mưa lớn làm cho cây trồng hoa màu bị dập nát và úng nước. Đối với các mặt hàng đánh bắt ngoài biển, do biển động nên gây khó khăn tới việc đánh bắt xa bờ", bà Quỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, AEON Việt Nam vẫn liên tục làm việc với các nhà cung cấp, tiếp tục chuyển rau từ Đà Lạt ra miền Bắc để đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
"Chúng tôi luôn có các nguồn hàng dự phòng trong trường hợp khẩn cấp", bà Quỳnh nhấn mạnh, đồng thời cũng cam kết giá cả vẫn ổn định.
AEON Việt Nam cam kết giá cả hàng hoá vẫn ổn định |
>> Nguồn cung thực phẩm tại phía Bắc giảm mạnh, khó phục hồi do mưa lũ kỷ lục 
Về việc dự trữ hàng hóa, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc BRGMart, cho biết hệ thống đã tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu lên 30% so với bình thường và cam kết giá cả sẽ không có biến động.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco (DBC ), khẳng định doanh nghiệp đang nỗ lực cung ứng thực phẩm thiết yếu một cách nhanh chóng để hỗ trợ người dân miền Bắc, dù việc vận chuyển rất khó khăn.
"Nhiều nơi ngập úng nước, các hộ nông dân, hộ nuôi trồng phải bán chạy vật nuôi, cây trồng để giảm thiệt hại. Do vậy, nhiều nơi giá còn giảm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chia sẻ với bà con nên quyết không tăng giá, thậm chí giảm giá bán để hỗ trợ", ông So chia sẻ.
Đại diện Central Retail Việt Nam , đơn vị vận hành hệ thống GO!, BigC, cho biết đã tăng gấp đôi sản lượng cung ứng rau củ so với ngày thường. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75-80 tấn/chuyến.
"Giá cả vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra bão. Chúng tôi không tăng giá bán, vì đã có chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt", đại diện Central Retail Việt Nam khẳng định.
Đại diện MM Mega Market cho biết, nguồn cung hầu hết các mặt hàng hiện tại vẫn ổn định và dự báo sẽ duy trì tình trạng này trong 1-2 tuần tới, đặc biệt là nguồn rau củ từ Đà Lạt vẫn được tăng cường đều đặn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng thông báo rằng, việc vận chuyển hàng hóa cho người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng do giao thông bị chia cắt.