Giá ‘vàng nâu’ bất ngờ trở lại đỉnh lịch sử, nông dân ‘hốt’ bạc tỷ
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tăng mạnh, cao nhất mọi thời đại. Tại thị trường Việt Nam, mặt hàng “vàng nâu” này cũng chạm vùng đỉnh lịch sử, nông dân ôm vài chục tấn hàng “hốt” về bạc tỷ.
Nắng chói chang, ông Phùng Văn Tám ở Đắk Nông chiều 13/2 vẫn cùng mọi người lên rẫy cắt tỉa cành cà phê, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Ông nói: “Nắng đi rẫy rất vất vả, nhưng phơi cà phê  thì nhanh khô”.
Gia đình ông Tám thu hoạch cà phê từ đầu tháng 12 Âm lịch và kết thúc cách đây 10 ngày. Sản lượng cà phê nhân đạt 25 tấn, tương đương vụ trước dù năm qua thời tiết khô hạn.
“Tôi đang phơi những mẻ cà phê cuối cùng của vụ để cất vô kho”, ông chia sẻ và cho hay chưa có ý định bán dù giá cà phê nhân đang được thu mua ở mức 133.000 đồng/kg - trở lại vùng đỉnh lịch sử ghi nhận hồi tháng 4/2024.
Năm ngoái, ông cũng trúng đậm khi xuất bán cà phê với giá 123.000 đồng/kg. Vụ này, với sản lượng 25 tấn, ông dự kiến cũng thu về vài tỷ đồng.
“Ở đây, nhiều người bán cà phê tươi với giá 30.000 đồng/kg ngay lúc thu hoạch. Đó cũng là mức giá cao chưa từng có mà người trồng cà phê bán được. Còn gia đình tôi chọn bán cà phê nhân nên phơi sấy xong vẫn cất đầy trong kho”, ông Tám kể.
Tại Đắk Lắk, khi giá cà phê nhân vọt lên 133.000 đồng/kg vào sáng 13/2, anh Đoàn Văn Hoàn quyết định xuất bán gần 30 tấn, thu về gần 4 tỷ đồng.
“Trong kho có khoảng 55 tấn cà phê nhân, nay xẻ ra bán hơn một nửa cho chắc ăn. Số còn lại chờ giá tăng thêm tôi sẽ bán nốt”. Anh nói và nhẩm tính, nếu bán hết toàn bộ số cà phê trong kho và trừ chi phí, vụ này anh đút túi gần 5 tỷ đồng lãi.
Tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, giá cà phê nhân - loại hạt được ví như “vàng nâu” - tiếp đà tăng, dao động từ 132.000-133.000 đồng/kg.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá cà phê vẫn cao kỷ lục. Cụ thể, trên sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2025 tăng lên ngưỡng 5.817 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 5 là 5.821 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York tiếp chuỗi đà tăng, lên 431,8 cent/lb cho hợp đồng giao tháng 3/2025, hợp đồng giao tháng 5 có giá 420,2 cent/lb.
Khi đề cập đến đà tăng của giá cà phê những ngày qua, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh - nhận xét mức giá tăng "điên cuồng", ngoài sức tưởng tượng. Ông dự báo, sắp tới dư địa tăng vẫn còn.
Để thích ứng với việc giá cà phê cao như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải mua cao, bán cao theo giá thị trường chứ không chốt giá trước từ sớm.

“Rất bất ngờ, giá ở cả thị trường thế giới và Việt Nam đều tăng mạnh, lập đỉnh lịch sử”, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nói với VietNamNet.
Theo ông, cà phê Arabica và Robusta đua nhau tăng giá từ trong Tết đến nay. Hiện, giá Arabica vượt 9.500 USD/tấn, Robusta cũng tăng lên trên 5.800 USD/tấn.
Đáng chú ý, giá cà phê Arabica đang cao hơn Robusta khoảng 3.700 USD/tấn. Do đó, các nhà rang xay lớn trên thế giới phải tìm đến nguồn hàng Robusta có giá rẻ hơn. Từ đó, thúc đẩy giá cà phê nhân tại thị trường Việt quay lại vùng đỉnh lịch sử.
“Đây là trường hợp rất hiếm. Vì theo quy luật cà phê vào mùa thu hoạch, cung trên thị trường dồi dào, giá sẽ giảm. Tuy nhiên, ở niên vụ này, giá tăng từ lúc bắt đầu thu hoạch đến khi kết thúc và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, ông phân tích.
Lý giải về nguyên nhân giá cà phê tăng, ông Hải cho rằng do cung - cầu thị trường. Nguồn cung dự báo sụt giảm đáng kể khi nỗi lo mất mùa ở những quốc gia sản xuất lớn vẫn hiện hữu vì ảnh hưởng bởi El Nino.
Ngoài ra, khả năng Mỹ đánh thuế hàng hóa khu vực Nam Mỹ cũng thúc đẩy mặt hàng này tăng giá. Vì khi đó, cà phê Brazil, Colombia, Peru... sẽ đắt đỏ hơn, tạo lợi thế cho cà phê Việt Nam.
Đặc biệt, khi kinh tế thế giới biến động mạnh, các nhà đầu cơ tập trung tích trữ một số mặt hàng, trong đó có cà phê. Đây cũng là lý do thúc đẩy giá tăng cao.
“Với mức giá hiện nay, nông dân xuất bán cà phê sẽ thu được lợi nhuận rất cao”, ông Nguyễn Nam Hải khẳng định. Còn với doanh nghiệp, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội. Bởi, nước ta vừa kết thúc vụ thu hoạch, nguồn hàng còn khá dồi dào cho xuất khẩu. Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cũng cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu cần cẩn trọng với hợp đồng mua xa bán xa.
>> Giá cà phê hôm nay 13/2/2025: 2 sàn tiếp tục tăng, Arabica chưa có điểm dừng 
Giá cà phê hôm nay 13/2/2025: 2 sàn tiếp tục tăng, Arabica chưa có điểm dừng 
Giá cà phê hôm nay 12/2/2025: đầu cơ chốt lời, Arabica kéo Robusta cùng giảm